“Với tôi thì không được rõ lắm.” Tôi thừa nhận, rồi đánh trống lảng. “Dù
sao thì người đàn ông lạ mặt vào trong nhà hóng mát để gặp ai đó. Thế đó là
ai?”
“Chính là câu hỏi đó. Ông còn nhớ bà Ackroyd và con gái từ Canada
chuyển đến đây sống chứ?”
“Có phải chính vì vậy mà ông cáo buộc họ đang che giấu sự thật không?”
“Có thể. Giờ một điểm khác nữa. Ông nghĩ sao về câu chuyện của cô hầu
bàn?”
“Câu chuyện của cô hầu bàn?”
“Câu chuyện cô ấy bị đuổi việc. Liệu có mất đến nửa tiếng đồng hồ để
đuổi việc một gia nhân không? Liệu câu chuyện về mấy giấy tờ quan trọng
đó có đáng tin? Và nên nhớ, dù cô ấy khai là mình ở trong phòng từ lúc chín
rưỡi đến mười giờ, nhưng chẳng có ai đứng ra làm chứng xác minh cho lời
khai đó cả.”
“Ông làm tôi rối trí rồi đấy.” Tôi nói.
“Với tôi thì nó lại càng rõ ràng hơn. Nhưng bây giờ ông nói cho tôi biết
suy nghĩ và giả thuyết của ông đi.”
Tôi lấy một tờ giấy trong túi ra, xấu hổ phân bua, “Tôi mới nháp lại vài ý
thôi.”
“Nhưng tuyệt vời, ông đã có phương pháp. Để nghe xem nào.”
Tôi ngượng nghịu đọc to, “Để bắt đầu, ta phải nhìn sự việc một cách
logic…”
“Y hệt lời ông bạn Hastings tội nghiệp của tôi hay nói.” Poirot cắt ngang.
“Nhưng mà than ôi! Anh ta chẳng bao giờ làm được đúng như thế.”
“Điểm số 1: Có người nghe ông Ackroyd nói chuyện với ai đó lúc chín
giờ rưỡi.
“Điểm số 2: Vào thời điểm nào đó vào buổi tối, Ralph Paton chắc chắn đã
vào phòng bằng đường cửa sổ, bằng chứng là dấu giày của cậu ấy.
“Điểm số 3: Ông Ackroyd lo lắng bồn chồn cả buổi tối, và do đó chắc
chắn chỉ cho người mình quen vào phòng.