phép Roger mấy phút để nói chuyện. Tôi đi thẳng lên phòng nằm. Tôi thấy
bức bối trong người lắm.”
Rồi lại im lặng một lúc.
“Ông sẽ giải thích cho ông Poirot mà, phải không? Tự ông cũng có thể
thấy là toàn bộ chuyện này chẳng có gì to tát. Nhưng mà dĩ nhiên, khi ông ta
nặng lời chuyện che giấu thông tin thì tôi nghĩ ngay đến việc này. Con bé
Bourne đó hẳn đã dựng lên cả một câu chuyện ly kỳ về việc này, nhưng ông
có thể giải thích với ông ấy mà, phải không?”
“Chuyện chỉ thế thôi sao?” Tôi nói. “Bà đã kể tôi nghe hết mọi thứ rồi à?”
“Vâ-âng.” Bà Ackroyd ngập ngừng đáp, rồi nói thêm, vẻ kiên quyết hơn:
“ô vâng, có vậy thôi.”
Nhưng tôi đã kịp để ý vẻ thoáng lưỡng lự trong lời nói của bà ta ban đầu,
và suy ngay được rằng bà Ackroyd vẫn còn chuyện chưa nói ra. Bỗng dưng,
trong giây phút đầu óc tôi trở nên nhanh trí xuất thần, tôi hỏi ngay bà một
câu, “Bà Ackroyd, có phải chính bà là người mở nắp chiếc tủ bạc không?”
Và lập tức, tôi có ngay đáp án. Gương mặt bà Ackroyd đỏ lên vì tội lỗi mà
lớp phấn son kia không tài nào che nổi.
“Làm sao ông biết?” Bà ta thì thầm.
“Vậy đúng là bà?”
“Đúng… tôi… ông thấy đấy… có một hai món đồ bằng bạc cổ, rất lạ và
hay ho. Tôi có nghiên cứu đôi chút về chủ đề này. Hôm lâu tôi bắt gặp một
tấm hình minh họa về món đồ nho nhỏ được bán với cái giá khổng lồ ở cửa
hàng Christy’s. Nhìn nó y hệt như món đồ được trưng trong tủ bạc. Tôi chợt
nảy ra ý nghĩ hay là khi nào mình lên London sẽ mang nó theo… và… và
hỏi xem nó đáng giá bao nhiêu. Và nếu đúng là món đồ có giá trị thật, thì sẽ
đem khoe cho ông Roger, ông ấy sẽ ngạc nhiên và mừng vui biết chừng
nào.”
Tôi cố gắng kiềm chế không buông lời trách móc nào, coi như chấp nhận
câu chuyện của bà Ackroyd theo đúng lời bà ta kể. Tôi thậm chí còn suýt hỏi
thẳng tại sao bà ta lại cần phải lấy thứ mình muốn bằng hành tung lén lút