suốt đêm tại một tiệm rượu, và chỉ tiếp anh đến thăm ban ngày lúc cô nằm
nghỉ.
Nhưng tối hôm đó - thời gian đã trôi qua rất mau nhờ công việc làm cần
cù và một lô những lời chúc mừng sinh nhật vừa nịnh bợ, vừa thân tình - K.
quyết định về nhà ngay tức khắc.
Anh nghĩ ngợi mãi không thôi trong tất cả những giây phút ngắn ngủi
tạm dừng công việc để nghỉ ngơi. Chẳng biết rõ vì sao nhưng anh có cảm
tưởng rằng những sự kiện xảy ra ban sáng chắc phải làm náo động cả ngôi
nhà của bà Grubach, và sự có mặt của anh là cần thiết để đem lại trật tự.
Như thế, mọi dấu vết của các chuyện xảy ra lúc sáng sẽ biến đi, và cuộc
sống sẽ trở lại cái nếp bình thường, về ba tay nhân viên nhà ngân hàng, anh
chẳng có gì đáng ngại; chúng lại lăn vào đại dương các nhân viên và không
có gì tỏ ra thay đổi trong thái độ của chúng. K. đã triệu tập chúng lên nhiều
lần, khi riêng rẽ từng đứa, khi đồng thời cả ba, để quan sát chúng. Lần nào
khi cho chúng bước ra, anh cũng thấy hài lòng.
Khi về đến trước cửa nhà, lúc chín rưỡi tối, anh thấy một cậu thiếu niên
đứng dưới cổng xe ra vào, hai chân dạng ra, đương lặng lẽ hút tẩu thuốc.
- Cậu là ai? - K. hỏi ngay và ghé sát mặt nhìn cậu thiếu niên vì trong
bóng tối mờ mờ của lối đi, nhìn không rõ lắm.
- Thưa anh, em là con trai bác gác cổng. - Cậu ta đáp, đứng né sang một
bên và rút tẩu thuốc ra khỏi miệng.
- Con trai bác gác cổng à? - K. vừa hỏi, vừa sốt ruột lấy đầu chiếc can
của mình gõ gõ xuống đất.
- Anh cần gì ạ? Em có phải đi tìm cha em không?
- Không, không. - K. nói bằng một giọng có vẻ độ lượng, như thể cậu ta
đã làm điều gì sai trái mà anh sẵn lòng tha thứ. - Thôi được - Anh nói thêm
và bước đi tiếp, nhưng trước khi lên thang gác, anh còn quay lại một lần
nữa.
Anh rất có thể đi thẳng về phòng mình, nhưng vì muốn trò chuyện với
bà Grubach, nên anh lại gõ cửa phòng của bà trước. Bà Grubach đương
ngồi khâu vá bên một chiếc bàn chất đầy những đôi tất cũ. K. nói vài lời
nhạt nhẽo xin lỗi đã đến khuya khoắt như thế này, nhưng bà Grubach rất tử