“Bà ta liệu có bắt tay mình không? - Anh nghĩ - Viên đội đã chẳng bắt
tay mình”. Anh dùng con mắt dò xét để quan sát bà Grubach. Vì anh đứng
lên, nên bà cũng đứng lên, hơi ngượng nghịu, vì bà không hiểu tất cả những
điều K. giải thích với bà. Và do ngượng nghịu nên bà đã nói một điều lẽ ra
bà không muốn nói, và nói ra thật không phải lúc:
“Bác đừng bận tâm quá, bác K. ạ”.
Bà nói giọng nghẹn ngào và bà quên mất bắt tay.
“Nào tôi có bận tâm gì đâu”, K. nói, anh bỗng mệt mỏi rã rời, hiểu ra
rằng những lời động viên của người đàn bà ấy chẳng ích lợi gì.
Ra đến cửa, anh còn hỏi:
- Cô Bürstner có nhà không?
- Không. - Bà Grubach nói và mỉm cười với vẻ thông cảm muộn màng,
trong khi bà đưa tin cộc lốc - Cô ấy đi xem hát. Bác muốn gặp cô ấy có
việc gì? Tôi có phải nói lại không?
- Tôi chỉ muốn nói với cô ấy vài lời.
- Tiếc thay tôi không biết lúc nào cô ấy về; mỗi lần đi xem hát, cô ấy
thường về khá khuya.
- Cũng chẳng có gì quan trọng, - K. nói và bước ra cửa, đầu cúi gầm, để
về phòng - tôi chỉ muốn gặp cô ấy để xin lỗi đã mượn căn phòng của cô ấy
sáng nay.
- Không cần thiết đâu, bác K. ạ, bác chu đáo quá, cô ta không biết gì hết,
cô ta ra đi từ sớm, và bây giờ lại đâu vào đấy rồi, bác cứ nhìn mà xem.
Và bà tới cửa căn phòng của cô Bürstner.
- Cám on, tôi tin lời bà. - K. nói, song vẫn sang xem.
Vầng trăng soi sáng êm đềm căn phòng mờ tối. Qua những gì có thể
nhận biết được thì đúng là mọi thứ đâu đã vào đấy; chiếc áo cánh không
còn treo ở quả đấm cửa sổ, những chiếc gối trên giường có vẻ cao ghê gớm
và thấp thoáng tắm trong ánh trăng.
- Cô ấy thường về nhà rất khuya. - K. vừa nói vừa nhìn bà Grubach như
thể bà phải chịu trách nhiệm về chuyện này.
- Tuổi trẻ mà. - Bà Grubach nói bằng một giọng biện bạch.
- Nhất định, nhất định rồi, - K. nói - nhưng cái đó có thể đi quá xa.