“Rạp hát à?”, một trong hai đứa nói và đưa mắt hỏi ý kiến đứa kia.
Đứa kia ú ớ như anh câm muốn nói mà không nói được.
“Chúng không ngờ trước là lại bị căn vặn”, K. nghĩ bụng.
Và anh đi lấy mũ.
Vừa đến cầu thang, hai người đó cứ muốn bám lấy cánh tay anh, nhưng
anh bảo chúng:
“Ra phố, ra phố đã, tôi có ốm đâu!”
Ra khỏi cửa, chúng tức khoác chặt lấy hai cánh tay anh một cách hết sức
kỳ cục; K. chưa đi chơi phố với ai như thế bao giờ. Chúng áp chặt vai
chúng vào phía sau vai anh, không quàng tay, mà lại quấn dọc theo cánh tay
K. từ trên xuống dưới, tay nắm bàn tay, một kiểu khóa tay kết quả của công
phu luyện tập lâu dài. K. bị kẹp giữa hai người, lê bước đi cứng nhắc; cả ba
lúc này kết thành một khối duy nhất, giá có đập chết một thì hai người kia
ắt cũng phải chết theo. Thường chỉ đối với những vật chết người ta mới có
thể thực hiện được một sự kết họp chặt chẽ đến thế.
Những lúc đi qua dưới các ngọn đèn khí thắp, tuy bị siết chặt, nhiều lần
K. vẫn cố tìm cách nhìn cho rõ mặt hơn mấy kẻ cùng đi mà anh chỉ mới
thấy được lờ mờ trong bóng tối nhá nhem của căn phòng anh ở. “Có lẽ
chúng là những đứa hát giọng nam cao”, anh nghĩ khi nhìn thấy những cái
cằm lớn hai ngấn của chúng. Những bộ mặt sạch bóng của chúng làm cho
anh ghê tởm. Anh như còn trông rõ bàn tay đầy bọt xà phòng xoa xoa đuôi
lông mày, kỳ cọ môi trên và gãi gãi các kẽ ở cằm.
Nhìn thấy thế, K. dừng lại, hai người kia cũng dừng lại theo; chỗ đó là
rìa một quảng trường vắng vẻ có trang trí thảm cỏ hoa.
“Tại sao họ lại cử chính các ông?”, Anh hỏi mà cứ như là quát lên.
Hai đứa chắc là không biết trả lời thế nào; chúng chờ đợi và buông
thõng cánh tay còn lại xuống, giống như các y tá khi bệnh nhân mà họ dẫn
đi chơi muốn dừng lại nghỉ.
“Tôi không đi xa hơn nữa đâu”, K. nói để thử.
Lần này, chúng không phải trả lời; chúng chỉ cần túm lấy K. cho chặt và
cố xốc anh đi; nhưng K. cưỡng lại. Anh nghĩ: “Rồi đây ta sẽ chẳng cần đến
sức lực nhiều lắm nữa, ta sẽ đem ra dùng hết tất cả tại nơi này”. Anh nghĩ