lâu tôi cứ ngại vì buộc lòng phải để cho hắn ở trong phòng khách, hắn sẽ
làm phiền bác, vì hắn chẳng biết giữ gìn ý tứ lắm đâu.
- Nghĩ gì mà lạ thế! - K. đứng dậy nói - Không phải chuyện đó; bà có vẻ
tưởng rằng tôi dễ bị kích động lắm, bởi vì tôi không chịu nổi cô Montag cứ
đi qua đi lại hoài! Đấy! Cô ta lại quay lại cửa rồi đó!
Bà Grubach cảm thấy tất cả nỗi bất lực của mình:
- Bác K. ơi, tôi có phải báo cô ấy hoãn lại đôi chút rồi hãy dọn nốt đồ
đạc không? Nếu bác muốn, tôi sẽ ra bảo ngay lập tức.
- Thế là cô ấy phải sang ở với cô Bürstner ư?
- Vâng. - Bà Grubach trả lời, không hiểu rõ lắm ý K. định nói.
- Thế thì cô ấy phải dọn đồ đạc sang đấy chứ!
Bà Grubach chỉ biết lắc đầu. Nỗi bất lực không nói nên lời ấy có vẻ như
một thách thức càng khiến cho K. nổi cáu thêm; anh đi đi lại lại từ cửa ra
vào đến cửa sổ làm cho bà chủ chẳng bỏ về được, nếu không có lẽ bà đã bỏ
về rồi.
K. vừa bước sát đến cửa ra vào một lần nữa thì có tiếng gõ cửa. Đó là
chị giúp việc vào báo cô Montag muốn trao đổi vài lời với K. và xin anh
đến phòng ăn, cô đợi anh ở đây, K. trầm ngâm lắng nghe, rồi anh quay về
phía bà Grubach với vẻ mỉa mai khiến bà phát sợ. Thực vậy, sự mỉa mai ấy
dường như nói lên rằng K. đã dự kiến từ lâu lời mời của cô Montag, và sau
mọi nỗi buồn phiền anh đã phải chịu đựng sáng hôm ấy từ phía những
người thuê nhà của bà Grubach, thì việc mời mọc này cũng chẳng có gì lạ.
Anh tống khứ chị giúp việc đi bằng cách bảo chuyển lời là anh sẽ đến, rồi
anh tới mở tủ để thay áo, và thấy bà chủ nhà lầm rầm rền rĩ về chuyện quấy
rầy của cô Montag, anh chỉ đáp lại bằng cách xin bà dọn mâm bát đi cho.
- Nhưng bác hầu như có đụng đến món gì đâu! - Bà bảo anh.
- Thì cứ dọn đi! - K. quát.
Anh tưởng chừng cô Montag dính dáng cả đến chỗ bát đĩa kia và bỏ
thuốc độc vào đó cho anh.
Khi đi ngang qua tiền sảnh, anh đưa mắt nhìn vào cửa phòng khép kín
của cô Bürstner; nhưng có phải anh được mời vào đấy đâu mà là vào phòng
ăn, anh mở tung cửa phòng ăn ra, chẳng buồn thận trọng gõ trước.