chúng tôi đọc các trước tác của Kim Nhật Thành.
Chúng tôi được dạy các môn võ thuật. Người ta yêu cầu phụ nữ phải chiến
thắng hai, ba đàn ông cùng một lúc. Chưa bao giờ trong đời tôi lại tự tin
như lúc đó. Chúng tôi còn học cận chiến với dao găm. Chúng tôi luyện tập
bằng những chiếc dao nhựa dài 25 phân.
Không chỉ tập ngắm bắn mà thôi, chúng tôi còn phải học cách tháo và lắp
đủ mọi thứ vũ khí, phải biết cách sửa chữa súng ống nữa. Chúng tôi bắn
vào những tấm bia nhỏ xíu cách khoảng chín mục mét và tôi trúng đích đến
90 phần trăm.
Hàng tuần, chúng tôi được xem phim gián điệp hai lần, các phim đó hoặc
tuyên truyền sự suy đồi của xã hội phương Tây, hoặc về những chiến tích
của các siêu điệp viên ngày xưa.
Chỉ Chủ nhật chúng tôi mới được tự do nhưng khi ấy chúng tôi mệt mỏi rã
rời đến mức không buồn ra khỏi giường.
Cô giáo dạy chúng tôi tiếng Nhật là Heinhe, chúng tôi rất thân với cô. Tôi
được bà đầu bếp cho biết câu chuyện bi thảm của cô Heinhe. Cô vốn người
Tokyo, tại đây cô tốt nghiệp phổ thông rồi lấy chồng. Cô có một trai và một
gái, sau đó ít lâu vợ chồng cô chia tay nhau. Một ngày kia, khi cô chơi đùa
cùng các con ngoài bãi biển, các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc họ và
đưa vào trại tù binh. Trong trại, cô ốm nặng tưởng không qua khỏi. Tuy
nhiên rồi cô khỏi bệnh, khi đó cô không chịu ăn uống gì và suốt ngày cô chỉ
kể cô nhớ hai đứa con biết nhường nào. Nhưng các nhân viên Bắc Hàn rất
kiên nhẫn. Họ khiến Heinhe tin rằng rồi một ngày cô có thể được tự do nếu
cô chịu tuân lệnh họ. Rốt cục, không còn cách nào khác, cô đành yên phận
trong cuộc sống mới.
Tuy thương cô Heinhen vì số phận cô phải chịu nhưng tôi vẫn cho rằng hy
sinh một phụ nữ Nhật duy nhất cho sự nghiệp của Bắc Hàn là một việc
hoàn toàn chính nghĩa, nhất là nếu ta nghĩ đến chuyện nước Nhật đã nô lệ
hóa và sau đó, đã áp bức Triều Tiên trong suốt bốn chục năm trời. Giờ đây,
nhìn lại, tôi cảm thấy hổ thẹn vì ý nghĩ đó. Sự việc đáng tiếc này cũng
chứng tỏ sự dã man vô lương tâm của chính phủ Bắc Triều Tiên và các
nhân viên của họ.