Vì quá bất hạnh nên Heinhe hay uống rượu đến say xỉn và khi đó, đôi lúc
cô cư xử khá khó chịu. Dù vậy, cô là một giáo viên xuất sắc và càng ngày
tôi càng quý mến cô. Cô thường kể chuyện về các con và về Tokyo, cô hy
vọng chẳng bao lâu nữa cô có thể được về Nhật. Tôi không biết cô có được
về nhà không.
Chúng tôi kết bạn với cô, tin tưởng nhau, lúc nào cô cũng mong được gặp
gỡ chúng tôi. Nhiệm vụ của cô không nhỏ: phải biến tôi thành một phụ nữ
Nhật để khi tôi được cử đi hoạt động, không ai có thể đoán được tôi là
người Bắc Hàn.
Có một làng bản cách nơi chúng tôi ở chừng một, hai dặm và tất nhiên là
chúng tôi bị cấm tới đó. Nhưng một tối chủ nhật nọ, Heinhe cứ nài chúng
tôi hãy cùng cô đến làng vì chưa bao giờ cô được gặp người dân Bắc Triều
Tiên bình thường. Chúng tôi thấy một vài ngôi nhà xiêu vẹo, những đứa trẻ
con bẩn thỉu chạy nhảy trên đường phố. Tôi thấy hổ thẹn và muốn đưa
Heinhe đi. Nhưng cô vẫn ngắm nghía lũ trẻ, mắt tràn lệ. Chúng làm thức
tỉnh bản năng người mẹ trong cô.
- Đây là thế giới đẹp đẽ của các cô ư, Okhva? - cô nói, vẻ giễu cợt không
giấu giếm. - Tôi thương hại các cô.
Trong trại chúng tôi còn có một người bạn tốt khác: bà đầu bếp Vulchi, một
phụ nữ khoảng bốn mươi lăm tuổi, cũng từng trải qua một cuộc đời bi
thảm. Năm mười mấy tuổi, bà yêu một người thợ tiện nhưng mẹ bà bắt bà
phải làm vợ một thợ mỏ. Hai người sống cực khổ tại một làng nhỏ heo hút
tên là Samchuon và Vulchi phải chịu đựng rất nhiều vì chồng bà thường
xuyên bội bạc bà.
Một ngày kia, ông chồng bị một chiếc xe goòng cán chết. Trong lễ tang,
Vulchi gặp lại người tình thời thanh niên của bà, ông ta vẫn yêu bà nhưng
đã có gia đình. Họ không thể làm gì được.
Về sau, Vulchi hướng dẫn khóa học nấu ăn trong một trường học rồi bà
được phân việc trong trại. Bà thích vẻ cô quạnh của Kesong vì như bà
thường nói một cách bông đùa, ở đây ít ai quấy nhiễu bà. Trong khu nhà, bà
đóng vai trò “người mẹ”, chúng tôi phải báo cáo cho bà biết nếu muốn đi
dạo hoặc muốn ra khỏi vùng. Nhưng Vulchi là một phụ nữ cao thượng và