bà Eagleton. Tôi không thể tìm được thêm điều gì mình đã bỏ qua nữa. Vậy
là chỉ còn ba thứ: hai khay chữ cái, cái đồng hồ, và chiếc xe lăn.
Chiếc xe lăn... Nó có giải thích được ký hiệu kia không? Chiếc kẻng
tam giác cho người nhạc công, bể cá cho Clarck, còn cho bà Eagleton, vòng
tròn - bánh chiếc xe lăn, có thể lắm. Hay chữ O trong từ “omertà”, Seldom
đã nói. Phải, vòng tròn có thể là bất cứ cái gì. Nhưng, thật lý thú, có một
chữ O trên khay chữ. Hay có thể chẳng lý thú gì cả, đấy chỉ là một sự trùng
hợp vớ vẩn? Có thể Seldom đã trông thấy chữ O, và nó làm ông nhớ đến từ
“omertà”. Seldom còn nói thêm một điều nữa, vào ngày chúng tôi đi chợ
Cornered, là ông tin tưởng tôi sẽ thấy được một cái gì vì tôi không phải
người Anh. Nhưng cách nhìn không giống người Anh là cách nhìn thế nào?
Tôi giật mình vì tiếng một người nào đó đang cố nhét chiếc phong bì
dưới cánh cửa. Tôi mở cửa và thấy Beth đang đứng thẳng người lên thật
nhanh, mặt đỏ bừng. Tay cô còn mang một mớ phong bì khác nữa.
“Tôi tưởng anh ra ngoài rồi chứ, nếu không tôi đã gõ cửa rồi.”
Tôi mời cô vào phòng rồi nhặt phong bì lên. Trong đó là một tấm
thiệp với hình minh họa lấy trong Alice đi qua tấm gương, và dòng chữ
“Lời mời dự Không-có-đám-cưới” bằng chữ nổi.
Tôi nhìn nàng mỉm cười, bất ngờ.
“Chuyện là thế này, chúng tôi không kết hôn ngay được. Vụ ly dị của
Michael có thể kéo dài hàng năm trời. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tổ chức
mừng một chút.” Cô bỗng thấy những tấm hình nằm trên giường. “Hình gia
đình anh à?”
“Không, tôi không có gia đình, hiểu theo nghĩa thông thường. Đấy là
hình cảnh sát chụp vào ngày án mạng của bà Eagleton đấy.”
Beth, tôi thầm suy tính, cũng là người Anh và cái nhìn của cô cũng
đặc trưng như bất cứ cái nhìn nào khác. Cô lại là người cuối cùng đã gặp bà