hàng rào sắt, những mảnh vườn trường gọn gàng với sân cỏ tươi xanh
không một vết bẩn. Chúng tôi đi ngang một nghĩa trang nhỏ đằng sau nhà
thờ, những bia mộ phủ đầy rêu phong. Xe chạy một đoạn ngắn trên đường
Banbury trước khi rẽ vào ngõ Cunliffe, địa chỉ mà tôi đã đưa cho tài xế.
Đường đi chỗ này chạy ngoằn ngoèo qua một công viên oai vệ; những ngôi
nhà lớn bằng đá, trang nhã một cách êm đềm hiện ra sau bờ giậu bằng cây
thủy lạp, gợi nhớ các tiểu thuyết thời Victoria với buổi trà trưa, trận đấu
bóng vồ, và những cuộc đi dạo trong vườn. Chúng tôi dò số những căn nhà
dọc đường, nhưng bằng vào số tiền trên tấm chi phiếu tôi gửi đi, khó mà tin
được ngôi nhà tôi đang tìm là một trong mấy căn này. Tận cùng con đường,
chúng tôi mới thấy một dãy nhà nhỏ giống hệt nhau, khiêm tốn hơn nhiều
nhưng trông vẫn rất thích mắt, có ban công gỗ hình chữ nhật và dáng vẻ
mùa hè. Nhà bà Eagleton chính là căn thứ nhất. Tôi lôi túi đồ xuống, trèo
vài bậc cấp nhỏ và bấm chuông cửa.
Xét theo ngày tháng viết luận án tiến sĩ và những công trình đầu tiên
được công bố của bà, tôi đoán Emily Bronson cũng đã ngoài năm mươi lăm
tuổi, nên tôi thắc mắc không biết bà góa phụ của giáo sư cũ của bà sẽ phải
già đến mức nào. Cửa mở ra và tôi nhìn thấy khuôn mặt xương xương, cùng
với cặp mắt xanh sẫm của một cô gái cao, gầy, không hơn tuổi tôi là mấy.
Cô chìa tay ra, mỉm cười. Chúng tôi nhìn nhau trong sự ngạc nhiên thú vị,
nhưng rồi cô có vẻ thu mình lại một cách cẩn trọng, rút về bàn tay mà tôi đã
cầm hơi quá lâu. Cô cho biết tên mình là Beth, và cố nhắc lại tên tôi, không
hoàn toàn chuẩn lắm, trước khi dẫn tôi vào một phòng khách ấm cúng, trải
tấm thảm hoa văn hình thoi xanh đỏ.
Bà Eagleton ngồi trên ghế dựa vẽ hoa, chìa tay ra và mỉm cười đón
khách. Bà có đôi mắt sáng lấp lánh và một cung cách rất sinh động, mái tóc
bạc trắng búi lên thành búi gọn gàng. Khi đi ngang căn phòng, tôi nhận thấy
có chiếc xe lăn gấp lại, để dựa vào ghế bà ngồi. Một tấm chăn kẻ ô vuông
lớn phủ ngang chân bà. Chúng tôi bắt tay và tôi cảm thấy những ngón tay