lá bài kia y như đã phục tùng theo lệnh của ông ta. “Đỏ, đỏ, đỏ, đen, đen,
đen.”
Khi chúng tôi trở về ghế ngồi giữa lúc khán giả vẫn còn đang vỗ tay
tán thưởng, tôi hiểu ra tại sao Seldom kiên quyết muốn tôi xem buổi biểu
diễn này. Mỗi màn kế tiếp đều giống như những màn trước, giản dị lạ
thường và đồng thời cũng tinh thuần lạ thường, y như ông già này đã thực
sự đạt đến một cảnh giới hoàng kim khi ông không cần dùng đến tay nữa.
Và có vẻ như ông vui thú khi phá vỡ những quy tắc của nghề mình, từng cái
một. Ông lặp lại các thủ thuật, ông cho người ngồi sau lưng mình suốt buổi,
ông tiết lộ những kỹ thuật mà các ảo thuật gia khác bao thế hệ qua đã tạo ra
cùng một ấn tượng. Có một lần tôi quay ra đằng sau và thấy Seldom đang
hoàn toàn bị mê hoặc, sung sướng lạc trong sự thán phục, như một đứa trẻ
không bao giờ biết chán xem đi xem lại một kỳ tích. Tôi nhớ lại ông đã
nghiêm túc như thế nào khi nói rằng ông ưa giả thuyết bóng ma hơn cho vụ
án mạng thứ ba, và tôi thắc mắc không biết ông có thật tin vào những
chuyện như vậy không. Nhưng thật khó mà không bị nhà ảo thuật lôi kéo:
kỹ năng của mỗi màn trình diễn nằm trong sự giản dị từ bản chất và cách
giải thích duy nhất luôn luôn là một điều không thể có thật. Suốt buổi
không có một khoảng thời giờ trống nào, và vô cùng đột ngột, ông tuyên bố
màn diễn cuối cùng.
“Quý vị hẳn đã thắc mắc,” ông nói, “lý do tôi lại có một ly nước lớn
thế này trong khi đến giờ tôi mới uống có một ngụm nhỏ. Trong này còn đủ
nước cho một con cá bơi lội vòng quanh.” Ông lấy ra một chiếc khăn tay
lụa đỏ và chậm rãi lau chiếc ly. “Có lẽ,” ông nói, “nếu ta lau ly cho sạch rồi
tưởng tượng ra những viên sỏi nhỏ nhiều màu, có lẽ, như trong bài thơ của
Prévert, chúng ta sẽ câu được một chú cá.” Khi ông lấy chiếc khăn về, quả
thật có một con cá vàng bơi lội vòng quanh bên trong ly và những viên sỏi
nhỏ có màu ở dưới đáy.
“Như quý vị biết, các nhà ảo thuật chúng tôi đã từng bị đày đọa tàn
nhẫn qua bao thời đại, kể từ trận lửa trong đó các thuật sĩ theo Pythagoras,