“Chỉ theo cái nghĩa là chúng ta quen thuộc với định lý Pythagoras
thôi.”
Mặt ông tối sầm lại, như thể điều này bất thần gợi lại cho ông những
nỗi lo sợ tồi tệ nhất. Ông nhoài ra phía tôi và nói kiểu tâm tình.
“Con gái ông ta nói với tôi là ông ta dạo này về đêm sinh ra khó ngủ.
Cô ấy thấy ông bố thức giấc vào lúc sáng sớm nhiều lần, cố thử đọc sách
toán học. Ông ta lại gọi tôi sáng nay. Tôi nghĩ ông ta, cũng giống tôi, lo
lắng là thứ Năm có thể quá trễ.”
“Nhưng ngày kia đã là thứ Năm rồi,” tôi nói.
“Pasado mañana,” Seldom nói. “Ngày kia. Vấn đề là ở chỗ, ngày mai
không phải một ngày bình thường. Chính vì thế mà Petersen mới gọi. Ông
ta muốn gửi vài người của mình theo đi Cambridge.”
“Ngày mai có chuyện gì ở Cambridge vậy?” Lorna đã quay lại, mang
theo bia của chúng tôi.
“Tôi có cảm giác có chuyện này là vì cuốn sách tôi cho Petersen
mượn, thuật lại một cách ly kỳ câu chuyện về định lý Fermat. Đó là bài toán
chưa được giải cổ xưa nhất trong toán học,” ông nói với Lorna. “Các nhà
toán học đã vật lộn với nó suốt hơn ba trăm năm qua, và, ngày mai ở
Cambridge, có lẽ họ đã tìm được cách chứng minh cho nó. Cuốn sách lần
lại xuất xứ của ức thuyết về những bộ ba Pythagoras, một trong những bí
mật vào những năm đầu tiên của giáo phái, trước vụ cháy, khi mà như
Lavand nói, ảo thuật và toán học vẫn còn liên quan chặt chẽ với nhau.
Những người theo Pythagoras tin rằng các tính chất và quan hệ trong những
con số biểu thị cho một con số bí mật của một vị thần linh mà người trong
giáo phái phải giữ bí mật. Họ có quyền phát tán những định lý để dùng vào
đời sống hàng ngày, nhưng không bao giờ phát tán chứng minh, hệt như các
ảo thuật gia thề độc không tiết lộ thủ thuật của mình. Các thành viên của
giáo phái trừng phạt tội phá vỡ điều luật này bằng cái chết.”