VỤ ÁN TRƯỜNG THE OXFORD - Trang 163

“Cuốn sách tôi cho thanh tra Petersen mượn phán là chính Fermat

cũng nằm trong một giáo phái gần thời nay hơn nhưng không kém bề
nghiêm ngặt so với giáo phái Pythagoras. Ông tuyên bố trong lời ghi chú
nổi tiếng của mình bên lề cuốn Đại số học của Diophantus là ông đã có
chứng minh cho ức thuyết của mình, nhưng, sau khi ông chết, cả chứng
minh đó lẫn những cái khác của ông đều không hề được tìm thấy trong các
giấy tờ. Tôi cho rằng sự kiện đã đánh động Petersen chính là có một số
những cái chết kỳ lạ liên quan tới câu chuyện về định lý này. Rất nhiều
người đã chết, dĩ nhiên thôi, suốt ba trăm năm qua, trong đó có những
người đã tiến gần đến chỗ tìm được chứng minh cho định lý. Nhưng tác giả
cuốn sách rất nhạy bén, và anh ta đã tìm được cách làm cho vài cái chết đó
có vẻ thực sự đáng ngờ - vụ tự sát của Taniyama cuối những năm 50 chẳng
hạn, cùng với lời nhắn kỳ lạ ông ta để lại cho vị hôn thê.”

“Trong trường hợp đó những vụ giết người coi như là...”

“Một lời cảnh cáo,” Seldom nói. “Một lời cảnh cáo cho giới toán học.

Như tôi đã nói với Petersen, tôi cho cái âm mưu được vẽ vời ra trong sách
có lẽ chỉ là một mớ chuyện nhảm nhí đầy bịa đặt. Nhưng có cái này làm tôi
lo ngại: bảy năm qua Andrew Wiles đã làm việc hoàn toàn trong bí mật.
Không ai biết manh mối gì về phép chứng minh của anh ta cả. Anh ta chưa
bao giờ cho phép tôi nhìn vào giấy tờ gì của mình. Nếu có chuyện gì xảy ra
cho anh ta trước buổi trình bày và những giấy tờ đó mất tích, có thể phải
mất thêm ba trăm năm nữa trước khi có ai lặp lại được phép chứng minh
này. Vì thế, trái với điều tôi nghĩ, Petersen muốn gửi người đi đến
Cambridge không phải một ý kiến dở. Nếu có chuyện gì xảy ra cho
Andrew,” ông nói, và khuôn mặt ông lại tối sầm xuống một lần nữa, “tôi sẽ
không bao giờ tha thứ cho mình.”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.