“Ghen tị à? Sao thế?”
“Ồ, tôi không biết nữa. Có vẻ anh được quá tự do. Anh xa lìa quê
hương, cuộc đời bên kia, bỏ mọi thứ lại sau lưng. Thế mà nửa tháng sau anh
đã thế này, vui vẻ, rám nắng và chơi quần vợt.”
“Cô cũng nên thử sống như thế. Chỉ cần nộp đơn xin một học bổng.”
Cô buồn bã lắc đầu.
“Thử rồi, tôi đã thử rồi chứ, nhưng có vẻ đã quá muộn. Người ta
không khi nào thú nhận đâu, dĩ nhiên, nhưng họ muốn trao học bổng cho
những cô gái trẻ hơn. Tôi đã gần hai mươi chín rồi,” cô nói, tưởng như đó là
bắt đầu tuổi về già. Cô nói thêm, vẻ cay đắng: “Nhiều lúc tôi sẵn sàng mất
bất cứ cái gì để đi khỏi nơi đây.”
Tôi đảo mắt qua những ngôi nhà phủ dây trường xuân, những hình
chóp vươn trên những mái vòm Trung cổ, những ngôi tháp có lỗ châu mai
từ xa xa.
“Đi khỏi Oxford à? Tôi không hình dung nổi nơi nào đẹp hơn thế
này.”
Một vẻ tuyệt vọng làm mờ ánh mắt cô: “Phải, có lẽ thế… nếu anh
không phải trông nom một người tàn phế suốt đời và bỏ hết ngày này qua
ngày khác làm một việc đã mất ý nghĩa từ lâu.”
“Cô không thích chơi cello ư?” Tôi thấy điều này thật kinh ngạc và lý
thú. Tôi nhìn cô, cố khám phá điều gì ẩn dưới vẻ bên ngoài.
“Tôi thù ghét chuyện đó,” cô đáp, mắt tối sầm lại. “Mỗi ngày tôi lại
thù ghét thêm, và càng lúc che giấu điều này càng khó khăn. Nhiều lúc tôi
lo sợ khi mình chơi nó sẽ lộ ra, và nhạc trưởng hay một đồng nghiệp nhận
ra tôi thù ghét từng nốt nhạc thế nào. Nhưng cuối mỗi buổi trình diễn, khán