giả vẫn vỗ tay và có vẻ chẳng ai thấy có chuyện gì lạ. Buồn cười lắm phải
không?”
“Tôi thì cho rằng cô an toàn lắm. Tôi không nghĩ sự thù ghét đem lại
rung động đặc biệt gì. Về mặt này thì âm nhạc cũng giống như toán học: nó
không phân biệt luân lý gì cả. Chỉ cần cô cứ tiếp tục theo đúng bản nhạc, tôi
không tưởng tượng được có cách gì nhận ra điều đó.”
“Theo đúng bản nhạc... cả đời tôi đã làm điều đó.” Cô thở dài. Chúng
tôi đến cửa trước và cô đặt tay lên nắm cửa. “Đừng bận tâm về tôi,” cô nói,
“hôm nay vốn là một ngày khó chịu của tôi.”
“Nhưng đã hết ngày đâu,” tôi đáp. “Tôi có cách nào làm cho nó vui
vẻ hơn được không?”
Cô cười buồn và cầm cây đàn cello từ tay tôi.
“Ôi, anh thật đúng là một người Mỹ Latin,” cô thì thầm, làm như đó
là một điều khiến cô phải thận trọng. Tuy vậy, trước khi đóng cửa, cô còn
cho tôi nhìn được nhìn vào đôi mắt xanh của cô lần nữa.
Hai tuần trôi qua. Mùa hè chậm chạp bắt đầu, với những buổi sáng
dịu và hoàng hôn thật dài. Vào ngày thứ Tư đầu tiên của tháng Năm, tôi
dừng chân rút tiền ở máy tự động để trả tiền trọ. Sau đó tôi bấm chuông cửa
nhà bà Eagleton, và trong khi tôi đang đứng đợi thì một người đàn ông tiến
theo lối mòn ngoằn ngoèo đi tới trước ngôi nhà. Ông ta khá cao và rảo
những bước dài, bộ dạng có vẻ lo lắng. Tôi dõi theo ông ta qua khóe mắt
đến khi ông dừng lại bên cạnh tôi. Ông có vầng trán cao, rộng, đôi mắt hẹp
với cái nhìn xoáy sâu, và một vết sẹo rõ nét trên cằm. Ông chừng khoảng
trên dưới năm mươi lăm tuổi, nhưng trong cử chỉ của ông chứa đựng một sự
hoạt bát làm cho ông trông như vẫn còn trẻ. Sau một thoáng lỡ cỡ không
biết phải làm gì khi hai chúng tôi cùng đợi trước cửa, ông hỏi tôi, bằng một
giọng Scotland trầm đầy âm điệu, xem tôi đã bấm chuông cửa chưa. Tôi trả