lời mình đã bấm, và bấm thêm một lần nữa, nói thêm là có lẽ hồi chuông
đầu quá ngắn. Khi tôi đang nói, người đàn ông mỉm cười thân thiện và hỏi
tôi có phải là người Argentina.
“Vậy ra anh là nghiên cứu sinh của Emily đấy,” ông nói, chuyển sang
dùng thứ tiếng Tây Ban Nha hoàn hảo với ngữ âm - kỳ diệu thật - của
Buenos Aires.
Kinh ngạc, tôi nói là đúng vậy và hỏi xem ông đã học tiếng Tây Ban
Nha ở đâu. Ông nhướng mày, như đang nhìn vào quá khứ xa xôi, và trả lời
đã học từ nhiều năm trước.
“Bà vợ đầu của tôi là người Buenos Aires.” Ông chìa tay ra. “Tên tôi
là Arthur Seldom.”
Vào lúc ấy, hiếm có cái tên nào có thể khơi gợi nhiều lòng ngưỡng
mộ của tôi hơn thế. Người đàn ông với đôi mắt nhỏ, nhạt màu đang đưa tay
ra đã trở thành một huyền thoại trong giới toán học. Tôi đã bỏ ra hàng tháng
trời nghiên cứu công trình nổi danh nhất của ông, sự mở rộng trên phương
diện triết học định lý Gödel từ những năm ba mươi, cho một buổi thuyết
giảng. Ông được coi như một trong bốn bộ óc hàng đầu của khoa logic, và
chỉ cần liếc qua các nhan đề công trình khác nhau của ông, ta thấy ngay ông
là một kiểu thiên tài toán học hiếm hoi. Bên dưới vầng trán cao bình lặng
ấy, nhiều ý tưởng thuộc loại sâu sắc nhất của thế kỷ này đã hình thành.
Trong lần đi rảo các hiệu sách của thành phố, tôi đã cố ý tìm mua cuốn sách
mới nhất của ông, một tác phẩm đại chúng giải thích các liên chuỗi logic,
và được biết, với sự ngạc nhiên, rằng nó bán rất chạy và đã hết từ mấy
tháng nay rồi. Có người cho biết, sau khi sách được xuất bản, Seldom đã
mất dạng khỏi giới hội thảo, và trước mắt không ai dám thử phỏng đoán
xem ông đang bắt tay vào việc gì. Dù sao chăng nữa thì tôi còn không biết
là ông đang sống ở Oxford, và dĩ nhiên không bao giờ trông mong sẽ chạm
mặt ông trên ngưỡng cửa nhà bà Eagleton. Tôi cho ông biết mình đã từng
giải thích định lý của ông tại một buổi thuyết giảng, và ông có vẻ vui lòng