học. Seldom lặng lẽ hút thuốc, và có một phút tôi tưởng ông sẽ không nói gì
thêm nữa.
“Tại sao anh lại trở thành nhà toán học?” ông đột ngột hỏi.
“Tôi không biết,” tôi đáp. “Có lẽ đó là một sai lầm. Trước kia tôi vẫn
nghĩ mình sẽ lấy bằng cấp về nhân văn. Tôi đoán cái lôi cuốn tôi là loại sự
thật chứa đựng trong các định lý: vượt qua thời gian, bất tử, tự bao hàm,
nhưng lại tuyệt đối dân chủ. Còn ông sao lại chọn toán học?”
“Vì nó không làm gì hại ai,” Seldom đáp. “Bởi vì đó là một thế giới
không liên quan gì đến thực tế. Anh biết không, nhiều sự kinh khủng đã xảy
ra cho tôi khi tôi còn rất trẻ, và đã đến với tôi suốt cuộc đời, như thể đấy là
những báo hiệu. Tuy chúng đến thất thường, nhưng vẫn quá đều đặn và với
tôi, quá kinh khủng không bỏ qua được.”
“Báo hiệu như thế nào?”
“Hãy nói thế này. Tôi để ý một loạt những biến cố dấy lên vì bất cứ
hành động nhỏ nào của tôi ở thế giới bên ngoài. Chúng có thể chỉ là những
trùng hợp - những trùng hợp không may, thế thôi - nhưng chúng có sức tàn
phá lớn đến nỗi chúng gần như đẩy tôi đến chỗ bế tắc. Báo hiệu cuối cùng
chính là tai nạn trong đó vợ và hai người bạn tôi đã chết. Tôi không biết
làm sao có thể nói được điều này một cách không khôi hài, nhưng, từ rất
sớm, tôi đã nhận thấy những ức thuyết tôi đưa ra về thế giới thực luôn luôn
xảy ra, nhưng theo những ngả đường kỳ quặc, và bằng những cách khủng
khiếp nhất, như thể tôi đang bị cảnh cáo rằng mình nên tránh xa khỏi thế
giới con người. Giữa tuổi mới lớn tôi đã từng hoảng sợ đến tột cùng. Lúc đó
tôi mới phát hiện ra toán học. Lần đầu trong cuộc đời tôi cảm thấy mình
đang có chỗ đặt chân an toàn. Lần đầu tiên tôi có thể theo đuổi một ức
thuyết một cách kiên quyết hết mức mình muốn, và mỗi khi tôi lau tấm
bảng đen, hay gạch bỏ một trang giấy sau khi đã phạm sai lầm, tôi lại có thể
bắt đầu lại hoàn toàn, không có những hậu quả không lường trước. Giữa
toán học và tội phạm học có một sự tương đồng: như thanh tra Petersen nói,