chúng ta đều ước đoán. Nhưng khi anh định đưa ra một giả thuyết về thế
giới thực, anh không tránh khỏi bày ra một yếu tố của hành động không thể
đảo ngược lại, và luôn luôn có hậu quả. Khi anh nhìn vào một hướng, anh
không nhìn các hướng khác. Khi anh theo đuổi một lối đi, anh đi trong bối
cảnh thời gian thật, và có thể đã quá muộn để thử thêm một lối khác. Cái tôi
sợ nhất không phải là sai lầm như tôi nói với thanh tra Petersen, mà là điều
đã xảy ra suốt cuộc đời tôi: những cái tôi nghĩ đến luôn luôn xảy ra theo
cách thức khủng khiếp nhất.”
“Nhưng không nói gì cả, từ chối không tiết lộ cái ký hiệu, tự thân việc
đó chẳng phải, bằng cách tránh né, cũng lại là một thứ hành động có thể có
hậu quả không tính toán được hay sao?”
“Có lẽ thế, nhưng vào lúc này, tôi thà chấp nhận nguy cơ ấy. Tôi
không hăm hở như anh trong trò chơi thám tử. Và nếu toán học dân chủ
thật, ký hiệu kế tiếp của liên chuỗi đã phải rõ ràng với mọi người. Anh, cả
Petersen nữa, các anh đều có những yếu tố cần thiết để tìm thấy nó.”
“Không, không,” tôi phản đối. “Ý tôi là trong toán học có một khoảnh
khắc dân chủ, khi chứng minh được viết nên từng dòng một. Ai cũng có thể
đi theo lối mòn một khi nó đã được vạch ra. Nhưng dĩ nhiên phải có một
khoảnh khắc sớm hơn của sự soi sáng, hay như ông nói, bước nhảy của con
mã. Chỉ có số ít người, có khi chỉ một người trong suốt bao nhiêu thế kỷ,
nhìn ra được bước đầu đúng đắn từ trong bóng tối.”
“Anh nói rất hay,” Seldom đáp. “ ‘Một người trong suốt nhiều thế
kỷ’, nghe kịch tính lắm. Dù sao thì cái ký hiệu tôi đang nghĩ trong đầu này
rất đơn giản. Nó thực sự không đòi hỏi kiến thức toán học gì. Nhưng thành
lập mối quan hệ giữa các ký hiệu và các vụ án mạng thì khó khăn hơn. Có
được một phác họa tâm lý không phải một ý kiến dở. Thôi,” ông nói, liếc
vào đồng hồ, “tôi phải trở vào trong Viện rồi.”
Tôi nói rằng mình muốn tiếp tục đi bộ thêm một lát, và ông đưa cho
tôi tấm danh thiếp Petersen đã trao cho ông.