viết lại như bị ám ảnh. Sáu tháng trôi qua trước khi anh ta nhận được một
bức thư lịch sự không thể nghi ngờ từ một trong các biên tập viên, bức thư
anh ta giữ đến tận cuối đời. Trong thư, biên tập viên bày tỏ sự ngưỡng mộ
cuốn tiểu thuyết, và đề nghị anh ta đến Paris để thảo luận điều kiện hợp
đồng. Ambère cầm cố những tài sản ít ỏi có giá trị còn lại để trả tiền cho
chuyến đi nhưng tại buổi gặp mặt, một chuyện không hay đã xảy ra. Họ đưa
anh ta đi ăn trưa ở một nhà hàng sang trọng, nơi mà y phục của anh ta quá
lạc lõng, cách hành xử ở bàn ăn thì kém cỏi, lại còn hóc xương cá. Không
có gì quá nghiêm trọng cả, nhưng hợp đồng cuối cùng không ký được, và
Ambère trở lại làng mình, vô cùng nhục nhã. Anh ta bắt đầu mang theo lá
thư trong túi, và suốt mấy tháng liền, không ngừng kể lại câu chuyện với
bạn bè. Đặc tính tái diễn thứ hai của hội chứng này chính là thời gian ủ
bệnh và đeo đẳng với ký ức đó, có khi phải đến hàng năm trời. Một vài nhà
tâm lý học gọi đấy là hội chứng “cơ hội bỏ lỡ”, để nhấn mạnh đặc tính này,
sự bất công xảy ra trong giây phút quyết định, điểm chuyển tiếp có thể xoay
vần mạnh mẽ cuộc đời một con người. Trong thời gian ủ bệnh, người này
luẩn quẩn quay lại giây phút ấy, mất khả năng tiếp tục cuộc sống trước đó
của mình, hoặc hắn thích nghi dần, nhưng chỉ ở bề ngoài, và bắt đầu nuôi
những mộng tưởng sát nhân.”
“Thời kỳ ủ bệnh chấm dứt khi cái mà sách vở tâm lý học gọi là “cơ
hội thứ hai” xuất hiện, một sự kiện liên kết phần nào đó tái tạo lại biến cố
đầu tiên, hay có vẻ tương đối giống với nó. Nhiều nhà tâm lý coi nó giống
như câu chuyện thần đèn trong Nghìn lẻ một đêm vậy. Trong trường hợp
Ambère, cơ hội thứ hai rõ rệt một cách đặc biệt, nhưng thường thì mô thức
của nó mơ hồ hơn. Mười ba năm sau khi anh ta bị từ chối, một chuyên gia
thẩm định mới vừa vào làm cho nhà xuất bản G... tình cờ tìm thấy bản thảo
khi họ di chuyển văn phòng, và tác giả lại được mời đến Paris lần thứ hai.
Lần này Ambère tề chỉnh không chê vào đâu được, cẩn trọng tác phong suốt
bữa ăn, giữ cho cuộc trò chuyện được tự nhiên và xã giao chung chung, rồi,
đến lúc bánh pudding được đem lên, bóp cổ người phụ nữ kia chết tươi
trước khi những người hầu bàn kịp can thiệp.”