mỗi vụ khai trường tôi có cảm giác như là mùng một tết, phải "tống
cựu nghinh tân" để lấy may, ngay như khi ra ngõ cũng phải xem giờ
và nếu gặp gái thì lại lấy củi cháy đem ra mà... đốt vía. Bây giờ thì
thôi rồi ông ạ. Văng mạng cả. Đến tận hôm nay, tôi cũng chưa nghĩ
đến khai trường, tôi mặc, muốn ra thế nào thì ra...
Tưởng lại những ngày qua rồi mà tiếc. Còn bao giờ các ông với
tôi lại còn được họp nhau ở chung quanh cái xe bánh sơn vàng, có
một cái chuông treo ở càng, khi nào tôi đến lắc cái chuông ấy kêu
vang lên thì các ông lại vui vẻ mà hò reo lên rằng: "À! đến đây rồi.
Xe bánh tây kia rồi!" Thực là muốn bây giờ cũng không làm thế
nào được nữa. Một góc người đời đã chết rồi. Hạnh phúc không còn
nữa. Bây giờ, mỗi khi lại được gặp các ông, nhớ lại quãng đời đã qua,
thì lại thấy buồn buồn, song cứ kể cũng thú, vì bây giờ các ông đã
đi làm đi ăn cả. À, ông có biết ông T... không nhỉ? Này, ông ấy làm
quan rồi đấy. Hôm nọ, về chơi, gặp tôi ở Phúc Châu gọi mãi tôi và
mua bao thuốc lá giấy xanh. Ông K, ông S, ông H, đều làm tham
biện ở Thống sứ cả, danh giá ra phết, thế mà gặp "anh em" đâu,
vẫn chào hỏi tử tế quá và có khi vẫn dừng lại mua bánh tây chả ăn
như trước. Các ông ấy bảo tôi rằng: "Nhớ trường thì ít, mà nhớ
bánh tây chả của anh Mực thì nhiều". Tôi có thể khóc được. Các ông
tốt quá.
– Không, họ nói thực chứ không phải đùa đâu. Bánh tây của bác
thì nhất, không có thể ai đọ kịp. Người ta ăn bánh tây bây giờ thường
thường vẫn nghĩ thầm: "Ôi! bánh tây của Mực nó khác thế này
lắm, nó còn ngon hơn nhiều". Bác có biết bánh của bác ngon tại vì
đâu không?
– Ngon bởi tại các ông yêu tôi chứ gì!
– Cái đó đã hẳn rồi. Nhưng nói về tinh thần chơi với nhau một
chút xíu đó thôi, chứ bánh của bác ngon về giấm. Giấm của bác