chứ các cậu "cua Suýp" bây giờ thì lại ít ăn lắm, bởi vì họ nhớn, họ ăn
quà ngay ở nhà. Vả lại đồng tiền khó kiếm nữa, các ông bà sinh ra
các cậu ấy lại thi hành lối "kinh tế tiết kiệm" bắt con ăn cơm
rang ngay ở nhà rồi đi học chứ không cho tiền ăn "quà nhảm" như
trước nữa.
Tôi hỏi đùa:
– Thế bây giờ có còn bán chịu nữa không? Mực giơ tay lên vái tôi
một cái mà kêu lên:
– Lạy bố nhé! Kiếm đã chẳng đủ mà lại còn "chi" rộng cứ cho
chịu bứa bừa như trước thì... phá sản ngay. Ấy nói thế mà chơi, chứ
không cho chịu cũng không được, tôi hay nể lắm, vả lại ngày nào
cũng gặp nhau tự nhiên là anh em phải có thân tình, tôi với các cậu
ấy cũng như em trong nhà vậy, nên đôi khi vẫn phải bán chịu và bán
chịu vẫn bị mất như ngày trước. Ngày trước, có năm tôi tính mất
đến hơn trăm bạc nợ. Giời ơi, tôi tức nhé, tôi đến mách nhà nhé, tôi
bắt sách nhé, nhưng nói mách quẻ và doạ dẫm nhau chơi đó mà thôi
chứ ông bảo mình thấy người ta van lạy, kêu xin, thì ai lại nỡ vì có
mấy hào hay vài đồng mà xử nhọ thế nó vô tình lắm ạ. Hiện giờ
tôi có bán chịu cho ai thì chỉ bán đến một đồng mà thôi. Ấy, cái
trò thế, không bán chịu cho nhau một cái là họ "tẩy chay" mình
ngay. Một phần sự ế hàng cũng do đó mà ra vậy.
Hàng ế, không ăn thua gì, tôi thành ra chán không muốn buôn
gì cả. Còn vài hôm nữa thì khai trường mà cũng chửa có tiền để buôn
lấy dăm đồng bánh khách đây. Hàng lơ chơ lỏng chỏng, chán bỏ
bu... con chuột bạch. Những vụ khai trường ngày trước, ông phải
biết, tôi bỏ hàng tuần ra để sơn xe cũng như những nhà buôn mới
khai trương quét vôi và sơn tường cho choáng. Con tôi này, vợ tôi này,
phải chát mát-tít vào mặt kính và lau chùi sạch sẽ; những cái ngăn
hàng phải đem cọ rửa nhẵn như cừ. Tôi coi sóc cẩn thận lắm bởi vì