Nhưng tôi, tôi biết cái lửa ấy tại sao mà có; tôi xét tôi rất có
thể làm được nên tôi yên dạ lắm".
Trừ những lối xiên lình, nằm bàn chông, gài kim vào thịt của
bọn phù thuỷ ở Ấn Độ, ta còn thấy cái trò này cũng thường có ở
trong bọn người buôn thần bán thánh của ta: là nhai cốc, bát, đĩa
và nuốt lươn sống, cóc sống và ếch sống, có khi ăn đất ăn sỏi
và ăn đá nữa.
Về sự ăn đồ sứ và đồ thuỷ tinh
Đã lâu lắm, ở Đông phương cũng như ở Tây phương, người ta vẫn
cứ tưởng rằng thuỷ tinh và đồ sứ là những thứ thuốc độc có thể
làm hại những cơ quan tiêu hoá. Chính cả Maupassant cũng tin như
thế thì phải, bởi vì tôi nhớ có đọc của Maupassant một truyện một
người đàn bà muốn hại em vì em chim tranh tình nhân của mình
bèn nghiền thuỷ tinh vào bánh để cho em ăn cho chết. Hevin,
Mahon, Fodéré, Crantz, Plenck, Le Clère và nhiều nhà bác học khác
cũng nhận rằng thuỷ tinh đem nghiền nhỏ có thể dùng làm thuốc
trừ chuột rất nhiệm mầu. Nhưng Paul Heuzé và Franck đã thí
nghiệm nhai thuỷ tinh rồi: sự thực, thuỷ tinh cũng như đồ sành đồ
sứ nhai ở trong miệng rồi nuốt vào trong dạ dày không có gì là nguy
hiểm cả. Chaussier cũng nhận câu nói ấy là đúng và thuật chuyện
rằng có một thiếu phụ kia, chẳng là phù thuỷ gì ráo, một hôm tuyệt
vọng về chuyện tình duyên đã nhai một cái cốc thuỷ tinh chủ ý là tự
tử: những mảnh cốc vỡ đã đi qua ống thực quản và dạ dày và chẳng
gây ra một biến chứng gì cả vì người đàn bà ấy vẫn sống như
thường vậy. Người ta đã thử cho súc vật ăn đồ sành và thuỷ tinh:
những con vật ấy đều không việc gì cả. Luôn ba ngày liền 4, 10, 11
Octobre 1808, con mèo của M. Le Sauvage có thể ăn tới 30 lạng thuỷ
tinh: người ta mổ bụng con mèo đó để xem xét dạ dày và ruột của nó
thì thấy chẳng làm sao hết. Năm sáu con chó đem thí nghiệm thì
kết quả cũng thế và có rất nhiều vị bác sĩ: Godefroi, Nicolas,