Ông có biết mụ mối, con mẹ Ba Cổng Đục, nó làm thế nào
không? Nó dò biết nhà cô dâu hay đọc báo X., nó bèn đến nhà chú
rể bày mưu mượn người viết cho mươi cái truyện và mấy bài thơ
khổ và ký tên chú rể vào, ở dưới không quên chua một chữ "Sinh viên
trường Cao đẳng"
. Báo đăng rồi, nó nghễu nghện đến nhà gái ướm
nhời: làm gì mà chẳng nhận? Thưa ông, chú rể ấy kỳ thực chỉ làm ở
nhà đo... đo giường!
Cũng như thế, còn bao nhiêu đám nữa: trai thì bắt rệp mà mối
đến nhà gái dám nói xưng xưng lên là đỗ cử nhân và nay mai sắp
thi... tú tài tây; gái thì hai con đẻ ở tỉnh xa mà vẫn già mồm ca tụng
là tường cao cổng kín. Chao ôi, nhiều chuyện lắm, nói làm sao hết.
Kiếm ăn thì kiếm ăn được thực đấy, nhưng mà ác lắm, thưa ông:
mình phúc đức được là bao mà làm những chuyện nghịch địa oán
thiên như thế?... Tôi, tôi không làm thế!
Câu chuyện "bổ nhân nghĩa" nói đến đấy, tôi nghe không thể
nhịn cười được; bà ký Tám Mái, lúc ấy vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa
lấy nét mặt nghiêm nghị, "làm y như là thực" vậy. Khôn lắm, bà ký
đỡ lời ngay:
– Nói thế mà thôi ông ạ, chứ "ở với bụt thì mặc áo cà sa, mà ở với
ma thì mặc áo giấy", ở cái đời này cứ nhân đức mãi có khi thì chết
đói. Vậy nói nhỏ với ông, ông đừng có hại tôi mà đăng toẹt cả lên trên
báo nhé. Tôi, tôi cũng vài phen phải làm "khổ nhục kế" như thế,
nhưng không tệ quá đến nỗi làm hại cả một đời ai bao giờ...
Đám cưới do tôi làm mối mà tôi hối hận đến tận bây giờ là đám
cậu S. ở H. X. lấy cô gái thứ nhì bà ấm T. ở H. T. Nói của đáng tội,
tôi biết rõ hai nhà lắm lắm rồi: cậu thì nghèo rớt mùng tơi mà cô
thì hay khoe của, thích đi Gô-đa "sắm sửa những đồ gì thực đắt
vào" và có độ một chục bạc trong người thì "trưng tướng" là có hàng
nghìn hàng vạn. Cậu S... đến lạy lục tôi giúp hộ. Tôi phải giở tài ra, và