và ông bang H. Hai ông này vẫn chơi bời buôn bán với nhau, xảy đầu
năm kia thì con trai ông C. chết và con gái ông H. cũng chết, hai cô
cậu chết cách nhau vài tháng.
Theo phong tục nước Tàu thì hai người chết vẫn có thể lấy nhau
như thường; tôi bèn ngỏ ý cho hai con ma ấy lấy nhau, và hai họ
đều ưng thuận. Hai họ ăn uống linh đình và cũng nhận đồ mừng y
như một đám cưới người sống vậy. Duy có lúc đón dâu, thì nhà trai
rước một cái... bài vị của cô dâu về nhà. Thú lắm. Êm lắm. Tôi
được một số tiền khá to và cũng thú, cũng êm như thế, không còn
sợ lôi thôi gì cả. Vì hai con ma ấy lấy nhau dù "cơm chẳng lành
canh chẳng ngọt" hay dù cậu không đào mỏ được cô mà tống cổ cô
về, hai con ma ấy cũng không bật nắp áo quan dậy để mà đòi tiền
lại hay là chửi rủa tôi kia mà! Chết thay, những vụ cưới êm đềm như
thế, một đời người mới thấy có độ một lần, còn cái "sự" mè nheo,
chửi bới thì nhiều lắm, điếc cả tai hàng xóm. Nhưng mà cần gì?
Tôi cứ đầy đủ với nghề thì thôi. Họ bạc thế chứ bạc nữa tôi cần
gì? Ông tính, vợ chồng mà hoà thuận, sinh con đẻ cái đầy đàn thì
hỏi họ có nhớ tôi không? Không, không, họ không nhớ mụ mối lấy
một phút đâu, ông! Lắm khi đánh chắn đánh cạ thua, có lại xin họ
vài đồng thì chồng đưa mắt cho vợ, vợ đưa mắt cho chồng và từ
chối, đến hay! Cái đời này nó bạc lắm, ông ạ. Mà nghề, thì tôi
tưởng cũng chẳng có nghề gì bạc bẽo đến thế. Thực là giời hại!
Ngay như tôi đây, gần trải một đời người đi làm mối vợ mối
chồng rồi, mà nói ông đừng cười tôi, tôi vẫn... phòng không lạnh
lẽo!
Bà ký Tám Mái nói đến đấy rồi gục đầu xuống ngực như một
cây cổ thụ gặp cơn... giông tố. Đôi mắt bồ câu hơi... toét của bà
xoắn đuôi lại như con tôm, một ít nước mũi thò lò ra, bà méo cái
miệng lại cười nhạt mà tưởng như là... mếu.
Tôi an ủi: