quả là đúng sự thực và buổi hát ngày 17 và 18, mà mọi người cực
lực hoan nghênh và coi là một sự lạ chưa từng thấy đó, mới chỉ
là một buổi đóng kịch để vui chơi thôi chứ chưa phải là thực vậy.
– T. B. C. N.
Hai hôm 17 và 18 Novembre vừa rồi, những người nào được ban
ca kịch Umejima Gekidan mời đến xem diễn ba vở tuồng Nhật ở
nhà hát Tây tất đều nhận thấy như tôi rằng cái nghệ thuật hát bội
của người Nhật đã lên tới một độ rất cao, chẳng kém gì Âu Mỹ.
Cao về nghệ thuật, nghề hát bội ấy lại cao cả về tinh thần
nữa, mà chỗ ấy mới là chỗ chính. Kẻ viết bài này đã từng được đọc ít
nhiều hài kịch và thảm kịch của Nhật rồi: hầu hết các vở kịch của
họ đều có một cái tinh thần đặc biệt Á đông; người Nhật không có
cái lối biểu dương "nghệ thuật vị nghệ thuật", nhưng nghệ thuật, ở
phạm vi kịch hát của họ, phải chủ trương một cái gì, phải giúp ích cho
người đi xem về phương diện gì, cho nên ở vở kịch nào của họ cũng
có một cái then chốt: hoặc ca tụng lòng can đảm, hoặc chế giễu
những anh tham tiền bỏ nghĩa, v.v... Cũng như cái lối tuồng cổ và
chèo cổ của nước ta, thể nào cũng phải biểu dương hay ca tụng bốn
cái đức này: trung, hiếu, tiết, nghĩa, và mạt sát những kẻ không giữ
được trọn bốn cái trụ của nền luân lý đó.
Nghề hát bội của Nhật vì vậy không thể coi như là một trò giải trí,
nhưng nhà hát Nhật Bản thực quả là một cái trường học hoạt động,
mỗi ngày một đi tới chỗ hoàn toàn.
Muốn rõ lịch sử và nghệ thuật hát bội của người Nhật, ta phải
quay lại thế kỷ thứ chín: Hồi ấy, ở dưới triều Thần Vũ thiên
hoàng, tỉnh thành Yết-ma-tô bị động đất ở gần phía Nã-la (chỗ
ấy hiện nay vẫn còn là một chỗ danh thắng lưu truyền tiếng tăm
lại đời đời vì những thành quách và miếu đài lộng lẫy) núi lửa phun
khói và giết hại không biết bao nhiêu người mà kể.