Những tuồng rối Joruri và Ningyo-Tsukai bắt đầu đặt ra tự
thế kỷ thứ XVIII.
Hiện giờ, ở nước Nhật, một cái cửa rạp hát bao giờ cũng treo đèn
kết hoa và dán nhiều tranh ảnh thực rực rỡ tả những đoạn hay
nhất ở trong vở kịch mà người ta đem ra diễn.
Cửa rạp có chấn song bằng gỗ sơn đen và ngăn ra từng ô để
riêng cho những người bán vé và soát vé. Có một cái buồng để chứa
áo khoác ngoài, ô, mũ và những đôi guốc một quai. Chính nhà hát
thì phần nhiều chỉ có hai từng: từng dưới nhà và từng gác.
Trong một cái ngăn ở trước sân khấu, một người đàn ông, mà
người Nhật gọi là guidayu ngồi xếp bằng tròn và đánh đàn tam
shamisen. Người ấy lúc màn bắt đầu mở, đứng ra nói bằng một
giọng buồn thảm và nhịp nhàng về toát yếu vở kịch đem ra diễn và
đôi khi vui miệng lại tả cả những tình cảm, những bộ điệu mà những
tài tử sắp đem chơi trên sân khấu nữa.
Dưới người "giáo đầu" đó, có một người amatetaké cầm hai cái
sênh bằng gỗ đập vào sàn, những khi nào có một vai rất sầu khổ ra
trò, nói lên những lời rất bi đát; người amatetaké đánh nhịp rất
mạnh và làm đinh tai người đi xem.
Trên trần nhà hát, có kết hoa và chăng những vòng xúc xích
bằng vải đủ các màu, cùng những tấm lụa sặc sỡ có đề chữ viết
thoáy: đó là những cái áo của những tài tử có danh tiếng. Cho nên, ở
Nhật, mỗi khi ai nói tới một kịch sĩ lành nghề nào, họ thường bảo:
"Kép hát ấy đã đóng đến 36 cảnh".
Sự giữ trật tự ở trong nhà hát không phiền phức như ở xứ ta: chỉ
cần một người cảnh sát thôi cũng trông cả một rạp hát được; xem
thế thì ta đủ biết những người đi xem hát ở Nhật Bản biết trọng
trật tự như thế nào.