khách thứ nhất. Người này lấy một ít, bát trà lại đưa sang người thứ
hai, rồi người thứ ba... Trong cách pha trà này, trà bột uống hết cả.
Đến những thầy tu Tcha-jin dùng trà thì mỗi người có một cái
hộp bằng gỗ sơn then gọi là hassumé trong đựng những thứ dùng
riêng cho người ấy nghĩa là một vài thứ trong những thứ đã kể trên.
Khi nào người ta mời một thầy tu Tcha-jin đến chủ toạ tiệc trà thì
chủ nhân lại hoá ra như là một vị khách, không phải làm gì hết, song
cứ kể ra tiệc trà được quý hơn và những khách cho là được vinh hạnh
hơn nếu chính chủ nhân chủ toạ lấy. Những thầy tu Tcha-jin mỗi
khi đến chủ toạ một tiệc trà, thường được đãi rất hậu, nhưng đãi
một cách kín đáo bằng tặng những đồ quý giá tuỳ theo gia phong
của chủ. Thường thường, trà của họ pha một cách khác. Người ta cho
trà vào ấm đã cẩn thận giữa nước sôi, người ta rót lên trên trà ấy
một ít nước sôi mà không sủi bọt lên, đoạn cầm đũa quấy lên, rồi
đổ lượt nước trà thứ nhất đó đi cho trà mất mùi hăng.
Bấy giờ người ta lại rót vào bình một lượt nước sôi thứ hai nữa và
để cho trà ngấm trong năm phút.
Ta uống trà tàu
Tôi không lập dị như ông bạn Nguyễn Tuân, cổ động người ta mỗi
khi uống trà tàu phải làm những bộ điệu rất nhiêu khê, nhưng tôi
nhận rằng mỗi khi pha trà tàu uống mà làm như lối các ông "phổ
ky" ở các tiệm bánh buổi trưa thì thực là tục tằn, bỉ ổi, người ta
không còn biết hương vị trà tàu là gì cả.
Người ta uống trà, người phải biết nghệ thuật uống trà. Mà
biết cái nghệ thuật uống trà, pha trà, một chén trà đầu xuân ướp
thuỷ tiên pha rất khéo tôi tưởng quả cũng là một thứ tiêu khiển sung
sướng nhất cho đời người ta vậy. Chẳng thế người xưa đã có câu: