mệt và lợm giọng: ông ta bèn đến kể bệnh ở một phòng khám bệnh
trên kia thì một "nữ y sĩ" truyền bằng tiếng "Coỏng-tống" rằng
ông thận thuỷ hư suy, hoả vượng, bao nhiêu bệnh tật đều do ở hai
con mắt cả (?) nếu không chữa, chỉ độ dăm tháng nửa năm thì mù.
Người thợ máy đáng thương, cũng như chúng ta đây, "giàu vì hai con
mắt, khốn khó vì hai bàn tay", thấy thế hoảng sợ bèn xin "phòng
thuốc" chữa giúp ông ta. Phòng thuốc chữa giúp ông thực: chín
ngày một, lấy bốn đồng rưỡi; chưa khỏi, lại chữa chín ngày nữa
cũng với giá tiền như thế; kỳ cho bao giờ khỏi thì thôi. Người thợ
máy theo đuổi trong ba tháng trời liền, hại có đến ngót trăm đồng
mà kết quả thì "lợn lành chữa lợn toi": đôi mắt của ông ta trước chỉ
mờ, bây giờ đâm ra ướt và không hiểu tại làm sao, lại sinh ra sưng húp
lên, và hỏng cả lòng trắng, thầy thuốc bảo phải mổ thì mới mong
chữa được.
Đó, một bài báo vừa ra mà có tới bốn bức thư gửi về phàn nàn
như thế rồi, không biết ở trong chỗ tối tăm, ở những chốn quê
mùa hẻo lánh mà tờ báo không được phổ thông cho khắp còn bao
nhiêu người nữa bị thiệt thòi mà không thể nói được, mà không ai
biết tới.
Chẳng phải nói, ai đi qua những phố kia nhìn vào những phòng
thuốc kia tất đã thấy rằng mỗi buổi "khám bệnh" của họ, có tới
hàng mấy chục người, nam phụ lão ấu, ngồi lổn nha lổn nhổn cả ở
ngoài cửa như những người xin bố thí. Những phòng thuốc ấy cho
một đứa trẻ kêu ầm lên rằng chữa không lấy tiền, chữa giúp,
nhưng kỳ thực thì chẳng người nào thoát khỏi; họ doạ đủ các cách để
phải mua thuốc của họ; hễ ai "chây" lắm nhất định cứ xin không
thì họ bất đắc dĩ cũng phải cho, nhưng vứt cho một gói con con bọc
giấy vàng rất khả nghi, trong đựng một thứ bột sờ lạo rạo như thể
mài mực Tàu vậy. Đó là thứ gì, chất gì hay cái gì? Không ai biết. Vì
chỗ không ai biết đó, chúng tôi đã có lúc nghĩ rằng trong thứ