chỉ là bịp bợm nốt; ta đau mắt, chẳng cứ phải tìm đến họ, cứ ở nhà
lấy một ít thuốc "lông ngỗng" hoà với nước rỏ vào tự nhiên cũng
nhẹ hẳn và mắt ta sẽ quang ngay. Nhưng quang như thế chỉ độ một
buổi thì lại hết ngay; nào có thế mà thôi, bệnh đau mắt, trái lại, lại
nặng ra là khác. Cái lối chữa đau mắt bịp bợm này thật đúng như
cái lối chữa đau răng của những tay thầy vườn đi rong phố, cắp
cái hộp kêu: "Chữa răng... chữa răng ê!", nhổ răng người khác đến
nỗi đứt cả mạch máu làm cho người ta chết. Cái thí dụ mà tôi kể ở
đầu bài thứ nhất trong Trung Bắc chủ nhật, tên Nguyễn Văn
Ruộng bị bắt vì làm cho một người đàn bà ở ngõ Tân Hưng suýt
chết, chính là cái hạng thầy vườn vừa nói đó. Người ta chỉ mới nghe
thấy những thầy vườn đó bị bắt vì chữa thuốc giết người chứ
chưa nghe thấy có một ông hay bà thầy vườn nào có cửa hiệu bị
bắt vì đã làm mù người ta, cái đó cứ kể cũng là lạ lắm, – lạ nhất là
những người bị họ làm hại, sau khi đọc bài một lúc đã có tới bốn
người gửi thư về chúng tôi.
Sự đó truy nguyên ra cũng là chỉ tại bẻ răng đứt mạch máu, người
có bệnh có thể chết ngay. Chứ về cái con mắt, ví gặp phải thuốc
dở nó làm mù người ta, thì nào nó có mù ngay cho đâu, nhưng mà lại
mù ngày một ngày hai, dần dần, chứ không nổ con mắt hay hoá ra
mù trong vài ngày. Người có bệnh, đến lúc bệnh nặng rồi, chép
miệng cho tại số "người ta chữa đúng mốt vệ sinh lắm, nhưng ác
cái là bệnh mình nặng thì làm thế nào được chớ?"
Thành thử tiền mất tật mang mà người có bệnh cứ phải cắn
răng mà chịu. Người ta thấy rằng cái tính mệnh của những người
lương thiện về phương diện ấy, không có ai bảo toàn cho; chỉ chết
những người thực thà choáng lên vì những lời hò hét quảng cáo, vì
những dụng cụ họ trưng bày ở cửa hàng, đã chẳng biết thế, hàng
ngày cứ kéo nhau vào những phòng thuốc khả nghi, giơ con mắt ra
để cho họ làm đủ tình đủ tội.