Song nhà khoa học họ nghĩ thế khác. Họ bảo sự ghen chỉ là một
chứng bệnh, tự sinh lý và tự tập quán cũng có. Đã là một chứng bệnh,
tất có phương thuốc để chữa. Không có bệnh gì là bệnh bất trị.
Thử xem những chứng phong lao cổ lại, người ta suy xét tìm tòi mãi
còn ra thuốc chữa hiệu nghiệm thay, nữa là bệnh ghen.
Tôi nhớ chắc chắn được xem trong nguyệt báo Je sais tout vào
khoảng 1932 hay 1933 lối đó, có bài của một y khoa bác sĩ Pháp bàn
về vấn đề này rất kỹ. Chỉ tiếc lâu ngày quên mất cả tựa bài và
tên tác giả. Hẳn có bạn đọc ở xứ ta sưu tập để dành những quyển báo
khoa học nói trên, giá ai tìm ra bài văn cũ ấy mà dịch cho đồng bào
xem chung thì hay lắm.
Tôi chỉ nhớ đại thể là tác giả – có lẽ là ông y khoa bác sĩ Toulouse
cũng nên – trước hết cực tả sự ghen di hại cho xã hội, vì nó mà lắm
gia đình tan nát và hay phát ra án mạng luôn luôn. Xã hội phải tìm
cách trừ nó hộ loài người, cũng như đã có cách trừ bệnh lao bệnh dịch
vậy. Rồi ông nghiên cứu về mặt khoa học sinh lý, bảo người ta sở dĩ
có ghen là vì trong cơ thể có một thứ hạch (glande) mà trong hạch ấy
có một thứ nước nó trào lên và đánh vào bộ thần kinh những khi
người ta bị ái tình phản động kích thích. Có ghen và đâm ghen vì đó.
Giờ phải làm sao chế ngự cái hạch ấy đi tự nhiên bệnh ghen phải
mất. Một khi đã biết được bệnh căn, không khó gì tìm ra thuốc
chữa. Cứ theo tác giả, thì khoa học đã đi tới chỗ phát minh thực
nghiệm phương thuốc ấy rồi. Người ta có thể bào chế nó thành ra
hoàn thuốc bao sáp cho dễ uống. Khi nào một bà nổi ghen, hung
hăng, nóng nảy, chửi rủa bậy bạ, toan làm tới sự ẩu đả, lưu huyết, chỉ
lấy mươi viên thuốc cho bà ta uống một lát, sẽ thấy bình tâm hạ
khí, cơn ghen biến đi tức thời.
Nếu quả có thuốc ấy đã phát minh và quả nó hiệu nghiệm như
thế, mà đem sang bán ở xứ ta, chắc hẳn đắt hàng như tôm tươi.