hiệu nào cũng được, miễn là cứ ruột diêm Thụy Điển. Với kế hoạch
kinh tế đó, Kreuger đã mở đường cho diêm Thụy Điển vào Pháp,
Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung-gia-lợi, Hy-lạp, Lỗ-mã-ni, Thổ-nhĩ-
kỳ, các tiểu quốc miền bể Ban-tích và ở Tân lục địa.
Đứng chủ 175 nhà máy và trong 21 năm mang đội quân diêm đi
chinh phục gần khắp hai lục địa, Kreuger đã bắt được thế giới
phải tôn mình lên ngang với các vì vua chúa: Ông vua diêm Ivar
Kreuger. Danh vị ấy đối với Kreuger không phải là không xứng
đáng. Nhưng không ai ngờ còn có một ngày, con người làm mưa làm
gió được ở cả hai bán cầu, lại phải liều thân với một viên đạn súng
lục, chưa làm trọn hẳn cái công cuộc vĩ đại. Đó là năm 1932.
Cái tin vua diêm tự sát lan đi rất chóng như một ngòi thuốc
súng, một giờ sau cả thế giới đều biết, và không người nào không
sửng sốt. Nó là một trong những tin mà người ta không đợi nhất.
Bởi vậy dư luận tân cựu bán cầu xôn xao bàn tán, cố tìm ra nguyên
cớ; chỉ mãi nửa năm sau, cái chết của vua diêm lôi cuốn bao nhiêu
công ty diêm khác đến sự phá sản, bấy giờ người ta mới rõ được
những mưu toan có thể gọi được là quỷ quyệt của Kreuger trong
thương trường quốc tế. Rồi chỉ trông ở đó, người ta buộc liền
Kreuger vào phường đại bợm.
Mười năm qua. Thời gian đã đem lại cho người ta ít nhiều sự thật.
Những sự thật ấy đã thân oan cho ông vua diêm cái tiếng lừa đảo
người ta buộc cho lúc ban đầu.
Căn cứ vào những lời phán đoán của Kreuger của những người có
đủ thẩm quyền để phán đoán ở hai lục địa, chúng tôi viết bài này,
chủ ý để cho những độc giả hiểu rõ ông vua diêm, và cái nguyên cớ vì
sao con người rất được tôn kính ấy lại có cái kết cục bất đắc kỳ
tử.