kém với chánh tổng Chương, không thể lo được, còn số bạc hẹn hôm
sau đi Hà Nội về sẽ trả. Đến kỳ hẹn, ông Song lại đến hỏi thì viên
ấy nói đã giao cho ông Lý trả 1.000 đồng còn 1.000 đồng nữa sẽ
trả sau. Ông Song có đơn kiện, nhà chức trách đương tra xét..."
Xuất 2.000 đồng bạc để mua một chức chánh tổng! Xì! Rõ đã
đứt ruột (ruột người và ruột... tượng) chưa?
Cái tính di truyền ham danh chuộng tước của người mình, in vào
trong óc mỗi người rất sâu, cho đến ngày nay đã chung đụng với
những người văn minh mãi mãi rồi mà cũng không sao rửa sạch,
thật là đáng tiếc. Cho nên đọc xong cái tin trên, những người hữu
tâm không thể không khỏi buồn rầu. Họ bảo: Phải chi tên Vũ Đình
Song đó xuất số tiền ấy làm việc ích chung thì đáng khen biết
bao nhiêu. Tiếc vì y có cái não ham chuộng hư vinh nên mới có kẻ
gãi nhắm chỗ ngứa mà toan gạt, kẻ đi phỉnh vẫn là vô lương tâm mà
người xuất tiền mua danh cũng đáng một bài học vậy.
Phải lắm. Phải lắm. Nhưng ông bạn hữu tâm không biết cho
rằng cái lỗi đó không phải chỉ riêng của kẻ mua danh. Nếu ta cần
kể tội thì ta phải kể tội cái óc dân mình trước đã, ở đình trung không
có một chức tước: không sang; ở tỉnh lỵ không có tiếng quan phán
quan tham: không gớm.
Sự tiến của dân tộc vì đó mà cứ thụt lùi dần bởi vì người ta
không biết bổn phận là thế nào, giá trị làm người là thế nào. Họ
chỉ cần có một cái tiếng thôi cũng như anh giàu hà tiện chỉ cần
được kêu là giàu là đủ chứ có cần gì ăn ở cho đầy đủ bao giờ đâu?
Tôi tưởng rằng một người như Vũ Đình Song ít ra cũng còn dám
bỏ tiền ra để người khác tiêu hộ, dù là hắn mắc bệnh hư danh. Chứ
những kẻ chôn tiền ở thôn quê thì mới thực là những hạng người
đáng cho ông bạn hữu tâm của tôi nhiếc móc om sòm vậy.