hoạ. Hai hôm sau, bảy tiểu quốc đã ngập nước. Ở đồng quê có chỗ
nước cao tới bảy, tám thước; dân hàng chục tỉnh, hàng trăm làng bị
dồn đi các nơi khác. Mực nước sông Mississippi vẫn cứ lên. Mặt sông
ngày thường ngang độ một cây số hay một cây số rưỡi, lúc đó lắm
chỗ ngang tới 30 cây số. Cả ở những sông
nhánh, những đê xây hai bên, khúc nọ vỡ liền khúc kia. Số nạn
dân trong hai ngày lên tới 35.000. Đã có độ hai ba trăm người chết.
Đã thế chốc chốc trời lại giáng một cơn bão làm ngăn trở cuộc cứu
cấp và phá hoại những đường điện thoại thông tin đến nỗi những
tiểu quốc Oklabama, Nebraska và Texas bị cắt đứt tin tức với chính
phủ trung ương. Bấy giờ chính phủ Hoa Thịnh Đốn mới đem hết
cả nghị lực ra để chống nạn nước. Hàng mấy sư đoàn đem ra để cừ
đê, bao nhiêu đoàn tàu tốc hành đều chỉ dùng để chở binh lính.
Hàng đôi phi cơ cũng bắt đầu vào việc cứu cấp. Giống người đem
hết tài đảm ra để chống lại với trời. Nhưng tình thế cũng chẳng
khá hơn chút nào. Hôm 20 tháng tư, Nữu Ước công bố: "Nếu trong
24 giờ, quân đội không cừ lại được đê thì số thiệt hại sẽ vô kể".
Dân Mỹ là một dân giàu, trời đã bắt phải chịu số thiệt hại vô kể
đó. Bảy hôm sau, ở vùng Mississippi đã có 175.000 người không có
nhà trú ẩn và vào khoảng 260 người thiệt mạng. Tất cả độ 30.000
dặm vuông đồng ruộng bị ngập dưới nước. Vậy mà mực nước cứ
cuồn cuộn lên nhanh một cách đáng sợ, những đê nào còn lại cũng
đến lượt bị vỡ nốt, nước tràn vào khắp các tỉnh thành, gặp cầu
cuốn cầu, gặp nhà phá nhà, giống người hình như đã đến lúc phải
khoanh tay quy hàng. Tổng thống Coolidge hô hào quốc dân tổ
chức công cuộc cứu tế. Trong lúc đó, ở miền Bắc, mưa suốt ngày
đêm như cầm chĩnh nước mà trút xuống và ở những nơi đã bị lụt,
cơn bão này qua, cơn bão khác lại tiếp tục luôn, không mấy lúc
ngớt. Nhiều khu vực bị nước vây, đoạn tuyệt đường giao thông với
ngoài, dân tình đương chịu nạn nước lại phải chịu thêm cả nạn đói