và làm cho hết thảy mọi người còn nhớ như in trong óc. Giữa một
ngày trong sáng, kẻ đi người lại dập dìu ngoài phố, đất tự nhiên
rung chuyển ầm ầm và chỉ trong chớp mắt, thảy thảy đổ vỡ hết,
tan nát hết. Những phố xá đông vui là thế bây giờ chỉ còn là
những gạch ngói và đá vụn. Tokio có hàng mấy ngàn người chết,
số người bị thương không đếm được. Những toà lãnh sự Mỹ, Hoà
Lan, Pháp và Ý, những ngân hàng tan nát hết, duy chỉ có cung điện
nhà vua là sót lại mà thôi.
Nhiều người trong hoàng phái bị chết, bao nhiêu ga xe lửa đều
bị phá huỷ, 8 xóm tan tành không còn lại một tí gì, 200.000 nhà đổ:
50.000 đổ vì đọng đất và 150.000 vì bị cháy. Cái tai nạn này
không những chỉ tàn phá Tokio mà thôi, nhưng cả Yokohama nữa.
Cây nước đổ xuống tỉnh này làm gãy nát hết những ống dẫn hơi và
dẫn nước, dây điện ngổn ngang cả ngoài đường, 50 cái thuyền đắm.
Lập tức 40.000 lính được gọi ngay đến để cứu cấp, nhưng hoả hoạn
dữ dội quá nên không tài nào dập được. Ngay hôm sau, nhà quay
phim Mỹ, Ariel Varges đi một cái máy bay riêng thăm hai tỉnh Tokio
và Yokohama hãy còn đang cháy và động đất, có thuật với hai ông
Eugène Szalinari và Nicolas Aranyossi, – là những người cho chúng
tôi rất nhiều tài liệu trong số báo này, – như sau này:
"Ở Kobe đi, trời xanh và không mây. Bay được nửa giờ thì trời tối
sẫm hẳn lại, sương mù bay khắp mọi nơi: từng đám khói phủ kín cả
trời. Chúng tôi thấy ở chân trời một chấm đen ở giữa đỏ, từa tựa
như một cái nấm khổng lồ mọc ở dưới đất lên. Cái nấm ấy to
trong thấy, cứ từ từ bay lên cao và hình như tãi ra trên mặt đất, cho
đến khi những đám mây xám hoá ra những luồn khói đen, bay lượn
nặng nề. Lát sau, cái lòng nấm đương màu đỏ hoá ra một cái biển
lửa. Chúng tôi bay cao 700 thước đến kinh đô Nhật Bản lúc này
đương cháy dữ. Chúng tôi vượt qua hai cái bể: trên đầu chúng tôi là
khói, khói mù mịt, ở dưới chân chúng tôi là bể đỏ, đỏ những lửa.