Cô Kiều không hề lẫn chữ tội với chữ công
Hồi Đông dương tạp chí còn xuất bản dưới quyền giám đốc
của ông Schneider, ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bình phẩm về
Truyện Kiều có trích hai câu này:
Xét mình công ít tội nhiều,
Sống thừa, tôi đã nên liều mình tôi.
Và nhà thi sĩ đã bình phẩm: "Chữ công, trong câu này, nghe không
được yên nghĩa: vì sự giết Từ Hải, tự Kiều không nên nói là công".
Trong cuốn Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện, cũng Nguyễn
Khắc Hiếu viết, tủ sách Tao Đàn xuất bản năm 1940, ông Nguyễn
Khắc Hiếu vẫn giữ cái luận điệu ấy. Cùng đồng ý với ông, có
nhiều người, mà trong số đó ta có thể kể ông Hoài Thanh là một.
Vừa đây, ông Hoài Thanh diễn thuyết ở Huế về "Một phương
diện của thiên tài Nguyễn Du: Từ Hải" lại nhắc lại ý kiến đó một
lần nữa như sau này:
"Bởi vì Nguyễn Du vẫn là một nhà nho, vẫn không quên cái nghĩa
lớn nhất đối với một nhà nho, cái nghĩa tôn quân, Nguyễn Du
không để Kiều thoá mạ Hồ Tôn Hiến, vì Hồ Tôn Hiến là đại
biểu của triều đình, Nguyễn Du còn để Kiều nói cùng Hồ Tôn
Hiến một câu rất khó nghe là câu Xét mình công ít tội nhiều.
Kiều đã dại dột làm thiệt mạng một người ân nhân, một người tri kỷ,
tưởng không còn có quyền kể công, dầu công ít cũng vậy".
Ông Hoài Thanh lại còn viết: