kéo dài, mà còn nhiều người chết, mà nước thì không yên được.
Khuyên Từ Hải ra hàng, Kiều có ý muốn 1) làm Hải thành một
người lương thiện; 2) cho Hải được tiếng là người trung, biết phục lẽ
trời và phép nước (Bình thành công đức bấy lâu. Ai ai cũng đội trên
đầu biết bao); 3) cho hết chiến tranh đi (Ngẫm từ gây việc binh
đao. Đống xương vô định đã cao bằng đầu); 4) cho vợ chồng
được hưởng lộc trọng quyền cao, để lấy tiếng tốt cho vua (Sao
bằng lộc trọng quyền cao. Công danh ai dứt lối nào cho qua?).
Có bốn cái ý định ấy để khuyên Từ Hải ra hàng mà bảo là bổn ý
Kiều không phải vì việc nước thì thế nào mới là vì việc nước?
Nói rút lại một câu. Kiều không đáng nhận những lời nói nặng
của ông Tản Đà rồi đến ông Hoài Thanh, mà Nguyễn Du, ở đoạn
Hồ Tôn Hiến,
ở đoạn Kiều tự trầm, ở đoạn sư Tam Hợp, không
chướng như người ta đã tưởng.
Theo như tôi thấy, Nguyễn Du có cái ý định lấy Kiều và Từ Hải
làm hai người lý tưởng. Kiều thì hiếu nghĩa, trung trinh và hiểu chữ
quân thần một cách có lý chứ không sợ những đại biểu của triều
đình một cách mù mắt; còn Từ Hải thì anh hùng, can đảm. Chính
Nguyễn Du đã o bế Từ Hải vậy. Tôi không dám chắc, nhưng đoán
rằng Nguyễn Du làm cho Từ Hải khác người như thế chỉ là vì
Nguyễn Du muốn có ý khôi phục nhà Lê mà xét ra muốn khôi phục
như thế, phải một người trí dũng biết lên lui mới được.
Nguyễn Du phải chăng là cô Kiều? Kim Trọng phải chăng là nhà
Lê?
Muốn khôi phục nhà Lê, người ta không thể trông ở một thư sinh
túi đàn cặp sách, nhưng cần phải có một vị anh hùng xuất chúng
như Từ Hải.
VŨ BẰNG