Ngoài kia, cây thông xanh mà trăng thì đẹp, mùa xuân đến như
một khúc nhạc véo von. Mà trong này thì mình đã hết thời quách
mất rồi, lại bệnh tật. Nhưng thật ra thì người già có vô dụng không?
Mà thợ trời có hẳn là khe khắt với làn tóc bạc, không cho người già
hưởng một tí gì sự đầm ấm và vẻ tươi đẹp của mùa xuân không?
Không. Vua sáng bao giờ cũng ưu đãi kẻ hữu tài; bè bạn bao giờ
cũng vẫn trung hậu, thì hoá công kia bao giờ lại yêu ai mà ghét bỏ ai.
Cái kho vô tận của mùa xuân đấy, ai cũng có thể thu vào mà hưởng
được, cũng như hạnh phúc, đâu phải là của mua mà có nhưng chính là
phần thưởng cho ai gây được nó. Cái khó ở đời là ở chỗ biết nhận
lấy biết thu vào, biết tìm hưởng vậy.
Ý tưởng trên đây đã đến với tôi một đêm gió xuân đẩy cành mai,
ngồi trong tệ lư nghĩ một bài văn tết cho tờ báo mình làm. Ờ, từ
trước đến nay, nói về xuân, về tết, làm sao người ta lại gác hẳn
người già ra bên ngoài, chỉ nói ròng đến thiếu niên khách và thiếu
niên hôn? Làm như thế những người già là những người bỏ đi rồi, ai
nói đến họ thì làm giảm mất cả cái vẻ đẹp của mùa xuân đi vậy!
Sự thực, không thế. Ở dưới bóng mặt trời, người nào cũng có một
cái đẹp riêng và hàm những vẻ nên thơ riêng. Nhưng hiểu biết được
hết cả cái đẹp của mùa xuân và những sự biến chuyển vô cùng của
trời đất, hình như không phải là thiếu niên khách và thiếu niên
hôn thì phải. Không, chỉ có tuổi già mới hiểu biết sự nghiêm trọng
của sự đổi thay của tạo vật, tuổi già mới biết nhận và do đó mới biết
tận hưởng hạnh phúc của trời cho. Đối với họ, ván cờ đã chơi rồi, cái
chết gần kề đấy, sự khổ sở vất vả không làm cho họ sờn lòng
nữa. Những thú vui đã trải cả rồi, bây giờ họ tận hưởng những cái thú
vui gì mà trời còn để lại cho, vậy nên mỗi khi xuân đến, nhìn một
mảnh trăng, hay ngắm một bông hoa nở, nghe con chim hót, họ có
thể còn sướng hơn những người thanh niên reo hò ầm ĩ để chúc mùa
xuân vạn tuế.