Người văn minh thì khác. Càng những nước lớn, người ta càng
thấy người già làm việc nhiều. Clémenceau và Gladstone đến tám
mươi tuổi mới làm giám quốc; Fabius đã cứu thành Rome cũng là
một ông già; trận chiến tranh 1914 giữa Đức và Pháp, hai bên đều
là những tướng tá già chỉ huy; Agammemnon không cầu có mười
người giúp việc trẻ như Ajax nhưng cầu có một ông bạn già như
Nestor. Há chẳng phải Cicéron đã nói rằng: "Những việc lớn ở đời sở
dĩ mà thành tựu được không phải do sức khoẻ và sự nhanh nhẹn,
nhưng chính là vì lời khuyên răn, quyền hành và sự chín chắn khôn
ngoan mà tuổi già rất phong phú đó ru!"
Phương Đông ta, những thí dụ về tuổi già đắc dụng, kể rất
nhiều. Ta thường thấy họ dự vào việc phụ chính, việc dìu dắt
quốc dân, bởi vì trong một xã hội đã lâu không thay đổi thì sự kinh
nghiệm là một thứ rất quý. Người Anh-cát-lợi, cũng vậy, bao giờ
cũng nghĩ đến các bậc tiền bối: họ cai trị bằng thói tục và sự niên
cao tuổi tác thường bảo đảm cho đức hạnh. Nhất là nước Tàu từ xưa
đến nay bao giờ cũng kính trọng những người già cả. Sách há chả vẫn
chép rằng người Tàu không muốn trông thấy một con ngựa già
lông rụng phải chở hành lý nặng quá đi ngoài đường? Đạo làm người,
trọng nhất là trung và hiếu. Con phải hiếu với bố mẹ, cha mẹ còn
thì không được đi đâu xa. Bất hiếu là những kẻ nào lúc cha mẹ già
cả nằm xuống mà không có mặt để hầu cận. Từ gia đình đến xã
hội, mỗi khi có cuộc hội họp, chỉ người già mới được lên tiếng; con
cái phải nuôi dưỡng bố mẹ, để cho bố mẹ giận thì khóc mà hối
hận.
Sách Nhị thập tứ hiếu chả có những lời khuyên tha thiết phải
phụng dưỡng cha mẹ già yếu đấy ư?
"Mùa hè, phải quạt cho cha mẹ mát, đuổi ruồi và đánh muỗi.
Mùa đông, phận làm con phải chăm nom săn sóc giường màn cho bố