Tuổi già vốn trầm. Có lẽ một phần vì thế nên người già bao
giờ cũng được kính trọng, trừ những dân tộc lạc hậu ra thì không kể.
Người ta thuật chuyện rằng ở về những vùng biển, miền Nam Á
Đông, mỗi khi mùa xuân đến, người ta giết người già đi để đất cho
những người trẻ ở mà vui đời. Cho nên một khách du, bữa kia đến
Phi châu, gặp một ông già đã nghe thấy ông nói rằng:
– Thưa tôn ông sinh phúc cho tôi một ít thuốc nhuộm tóc. Nếu
"chúng nó" trông thấy tóc tôi đã bạc thì chúng sẽ giết tôi.
Có danh sĩ lại thuật rằng một mùa xuân kia ông đến chơi một
miền hoang vu ở miền Nam. Ở đó, người ta có tục hễ trong nhà có
ông già bà cả, thì bắt trèo lên một cây dừa rồi con cháu đứng ở dưới
rung cây. Nếu các ông già bà cả mà còn bám được vào cây không
ngã, họ còn quyền sống; nhưng nếu họ rơi xuống đất thì lòng
trời đã định đoạt rồi, con cháu họ sẽ trói ghì cánh khuỷu những ông
cụ bà cụ ấy lại đem ra chém. Lại có nơi còn có cái tục rất kỳ khôi
nữa: ông giám quốc, cuối một năm, bắt bao nhiêu vị tổng trưởng
của mình nhảy qua vòng lửa để xem gân cốt của các vị tổng trưởng có
còn dẻo giang không; nếu còn dẻo, thì dùng; mà nếu gân cốt đã
suy nhược, không dùng được nữa thì phế bỏ.
Những cách đối đãi với người già vừa kể trên kia mới nghe thì tàn
nhẫn, nhưng không phải là những chuyện lạ lùng quá sức tưởng tượng
đâu. Chính trong các sách vở mà ta học ở trường đã từng cho ta biết
rằng giống thú vật cũng đã từng xử với những con già như thế: con
Akela trong "Sách rừng" được kính trọng là thế mà đến khi không
vồ được con hươu non nữa, chẳng bị những con vật trẻ xông vào
giết đó ru?
Những người mọi rợ đối với người già cũng như thú vật vậy.