mẹ, lò than được hồng luôn; phải xem kẽ liếp mạch dừng cho cha
mẹ lúc nào cũng vui sướng và yên ổn".
Nước ta, không đến nỗi mọi rợ, nên mỗi một mùa xuân, không
đem giết người già đi như những dân tộc ở vùng bể miền Nam.
Nhưng biết kính trọng người già thì thực quả cũng không bằng
được dân Tàu và những nước văn minh miền Tây Âu vậy.
Mỗi khi xuân đến, ta chỉ nghĩ đến bọn trẻ thôi, không bao giờ
nói đến người già, cho người già là những cái máy cũ, hỏng rồi và
do đó suy ra rằng: mùa xuân là mùa của ái tình; ái tình chỉ thanh
niên mới có: vậy nói đến mùa xuân mà lại nói đến người già thì
mâu thuẫn và trào phúng quá.
Sự thực, trời có bao giờ cấm những người già yếu thương yêu
không? Có phải thật mùa xuân, mùa ái tình, thì người già không nên
hưởng không? Không. Một cặp vợ chồng già yêu nhau cùng vui
hưởng cảnh xuân không có gì là buồn cười cả. Họ chỉ hiểu nhau hơn,
yêu nhau thành thực hơn và họ tiếp tục cái yêu mà họ đã yêu thời
trẻ. Sự trìu mến, sự thương cảm, sự luyến ái không bao giờ có tuổi.
Hơn thế nữa, nhiều khi những mối tình trải qua một thời sóng gió
không được hoàn toàn khoảng ngày xanh, về già thường đượm vẻ
trong sạch hơn, nghiêm trang mà dịu ngọt hơn. Lòng già lạnh đi rồi,
những sự lầm nhau về xác thịt cũng trôi theo; lòng ghen chết đi
với tuổi xanh; sự cuồng mạnh cũng bớt đi cùng sức khoẻ. Với hai cái
thiếu thời sóng gió còn sót lại, người ta có thể tạo nên hai cái già
đáng yêu. Đời sống ái tình của một cặp vợ chồng già nhắc ta nhớ
đến những khúc sông dài, ở chỗ phát nguyên thì mãnh liệt là thế,
điên cuồng và thay đổi là thế, mà đến gần bể thì thong thả và
trong suốt, dịu dàng và đìu hiu phản chiếu bóng dương liễu trên bờ
và ánh trăng sao trên tít từng không thăm thẳm.