Đó là thời kỳ thử thách. Nghề báo, tuy là một nghề không
trường, không thầy thật, nhưng người làm nghề không thể cứ làm
liều được. Ông Nguyễn Văn Vĩnh có cái tư tưởng học tập để viết báo
từ đó, nhưng học tập ở đâu được? Vẫn biết rằng hồi đó, ở Bắc Kỳ,
cũng đã có vài nhà báo tây rồi đấy, nhưng bấy giờ người ta vẫn có
vẻ như muốn giữ nó làm một nghề bí mật, xếp chữ, lên khuôn, đặt
bài, viết báo, nhất nhất mấy người tây đều làm cả. Muốn làm
nên một tờ báo hoàn toàn để bán cho công chúng, người mình chưa
có ai biết tới. Nguyễn Văn Vĩnh chưa có ý tưởng làm một tờ báo của
riêng mình, – một ông thư ký lương tháng 12p50, bao giờ lại dám có ý
tưởng đứng chủ trương riêng một tờ báo cho mình, nhưng quả thực là
từ hồi đó ông đã biết cái ảnh hưởng và sức tuyên truyền của một tờ
báo lớn lao như thế nào. Nhưng làm thế nào được? Khi mà người ta
ở
một nước Việt Nam 1906, mà lại không có tiền...
Thì may sao, giữa lúc đó ở Pháp mở ra cuộc đấu xảo Marseille.
Nguyễn Văn Vĩnh cùng với mấy người nữa như Trần Trọng Kim,
Đào Huống Mai, Đỗ Thận, Nguyễn Hữu Phúc, Chi, Kiên, Thụy, v.v...
dưới quyền chỉ dẫn của một người Pháp tên là Hauser được cử sang
Pháp với những thuyền thợ đi đấu xảo.
Ngày đó, đi Pháp là một chuyện đi sang nước Thục "khó khăn như
đi lên giời"; nhưng phần có bạn đồng hành, phần lại
"... sự đời muốn trải một ly gọi là
Mơ màng qua đất Âu-la,
Ngó coi một ít nào là văn minh..."
nên dù vợ con có ngăn giữ, – lúc đó Nguyễn Văn Vĩnh đã có hai
con là Vòi nhớn, Vòi con, – ông cũng quyết chí không bỏ lỡ cơ hội