VŨ BẰNG - CÁC TÁC PHẨM MỚI TÌM THẤY - Trang 632

Nói đến giấy bút tôi lại nhớ đến cách viết chữ nho.

Khác hẳn với chữ nước khác, chữ nho là một thứ chữ tượng hình,

tự nó có ý nghĩa như những hình vẽ vậy. Không do các vần ghép lại
với nhau, chữ nho có nghĩa nhất định của mỗi chữ. Trông chữ "mộc"
người ta nghĩ ngay đến cái cây; trông chữ "điểu", người ta nghĩ ngay
đến con chim, trông chữ "vũ" người ta nghĩ ngay đến bộ lông cánh,
bao nhiêu chữ là bấy nhiêu hình vẽ, mà những hình vẽ đó đều được
người ta thu xếp cho gọn, thêm bớt cho đẹp, tự mấy nghìn năm nay.
Nước ta trong ngoài ngàn năm nay vẫn theo Khổng giáo, lấy chữ nho
làm nền học quốc gia. Chữ nho du nhập vào nước ta đã thành ra
chữ Nam như nhiều người đã gọi. Gọi thế không phải là không
chính đáng vì thứ chữ đó đã được đọc theo một cách riêng của ta mà
chính người Tàu nghe không hiểu. Với một nền văn hoá rập theo đạo
Khổng, nước ta đã có hồi trở nên hùng cường cả với nước Tàu to lớn
và đông dân gấp hai ba mươi lần. Xem vậy đủ biết cái sở đắc của
chữ nho đã đến một trình độ khá cao rồi vậy.

Trước đây sáu mươi năm, vì bị đè nén dưới chế độ đô hộ, ta bỏ

nền tinh thần đó mà theo đuổi một cái văn minh bề ngoài (tôi xin
nói ngay rằng tội đó không ở khoa học Tây phương mà chính là cách
ta học không chu đáo), đến nỗi tinh thần ngày càng kém mà vật
chất chỉ tiến ở những phương diện xấu xa đáng tiếc. Những
chuyện cha hiền con hiếu, vợ chồng nghĩa, bạn bè tín và những
chuyện thanh cao, nghĩa khí, quân tử, hy sinh hầu như cùng biến
với chữ nho vào chỗ hư không để cho chữ Tây tràn khắp trong đất
nước.

Chữ Tây, ta vẫn học, nhưng cần phải chuyên về khoa học, học có

phương châm, có mục đích tốt đẹp. Còn chữ nho, xét theo tình thế
hiện thời thì có thể nói rằng sẽ lại khôi phục được một địa vị cao quý
nếu không được bằng thì cũng chả kém lắm khi xưa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.