Thế thì có đáng chán nản cho cái khối óc của anh không hở đời?
Tôi không bảo rằng phàm người ta lo nghĩ thì đều có hại. Tôi biết
rằng bất cứ sự quyết định quan trọng nào cũng là kết quả của sự
trầm mặc, của sự lo xa nghĩ sâu; nhưng ta nên biết rằng tất cả
những sự trầm mặc đó, những sự lo xa nghĩ sâu đó đều có một đối
tượng nhất định và vô hại. Nhưng mà lo sợ những cái vẩn vơ, "sáng
tạo" ra những tai nạn xa xôi, vô hình để mình lại tự làm hại sự bình
tĩnh của mình, thì nhất định tôi chủ trương là không được. Một kiến
trúc sư phải nghĩ đến tương lai cái nhà của mình làm; một người thợ
phải nghĩ sao cho lúc mặt trời bóng xế khỏi phải đi hành khất; một
ông bộ trưởng phải nghĩ đến những kết quả sau khi mình ký một
sắc lệnh gì. Nhưng ta chớ nên đi qua cái tâm của chúng ta. Chúng ta
đừng nên thắc mắc về chuyện đổ trời nối kiếp ngày mai thì cũng
chớ nên lo rằng chánh phủ nhân dân lâm thời không lo nghĩ tiến
hành về công việc ngoại giao với Nga, Tàu, Anh, Mỹ.
Cũng như anh, tôi biết rằng vấn đề ngoại giao hiện giờ là vấn
đề sinh tử của nước nhà. Bổn phận ta là phải nghĩ đến lo đến,
nhưng ta không nên vì thế mà tự cho ta cái quyền được nghi ngờ,
bởi vì chánh phủ này do dân chúng cất lên thì chính dân chúng tất
đã thấy họ có thẩm quyền như thế nào rồi. Mà nếu họ đã có
thẩm quyền như thế nào rồi thì anh yên trí với tôi rằng ông bộ
trưởng ngoại giao tất phải hiểu biết hơn anh và tôi về việc ngoại
giao. Mà nếu anh và tôi đã băn khoăn lo nghĩ về việc ngoại giao
như thế thì chánh phủ nhân dân lâm thời còn lo nghĩ một vạn, một
triệu lần gấp bội. Chỉ có một điều là vấn đề ngoại giao, – khác
hẳn vấn đề văn hoá, vấn đề xã hội hay vấn đề kinh tế, –
không thể mỗi lúc mà tiết lộ ra ngoài để cho mọi người cùng hay. Vậy
thì anh nên biết thế mà cũng đừng băn khoăn nữa, mà cũng đừng
hỏi nữa. Mà hỏi làm sao được? Bởi vì vấn đề ngoại giao, – anh đã
biết thừa rồi đấy, – nó như một cái chong chóng đặt ở trước một
ngã tư, bây giờ thì thế này, chốc nữa thì thế khác, quy tụ không