khác để mà thành một khối mạnh hơn, đó là công việc của ngoại
giao. Nhưng ngoại giao dù giỏi đến đâu, dù có Tô Tần, Trương
Nghi, Mao Toại sống lại đi nữa, thì cũng không có ai có tài gì mà
biện thuyết cho một nước yếu đứng ngang hàng với một nước mạnh
được, nhất là trong cái thế kỷ hai người này. Kẻ mạnh bao giờ cũng
nói to. Kẻ yếu bao giờ nói cũng nhỏ. Có phải nhà tư tưởng biện
rằng: "Một người khoẻ mạnh về vật chất rất ít khi có một tinh
thần bạc nhược đấy không"? ("Parce que l’homme qui est
physiquement fort est parcement un homme craintif". – André
Maurois).
Hãy khoan, tôi biết là anh sắp nói với tôi thế nào rồi.
Anh nói với tôi rằng anh sầu khổ cho nhân loại quá. Cái nỡm gì
cũng vật chất, cũng sức khoẻ, cũng mạnh. Tuồng như sức khoẻ này
quản trị được cả thế giới chứ người ta không biết thế nào là khối
óc nữa à? thế nào là tinh thần nữa à? thế nào là cao thượng thi vị
nữa à? Không biết bao nhiêu lần, anh và các bạn "đồng chí" anh
vẫn cứ giở cái giọng gàn bát sách ra như thế! Ai bảo anh rằng một
cái nhà đúc súng không thi vị? Ai bảo anh rằng tinh thần thể thao
lại không phải là một tinh thần thanh cao? Ai bảo anh rằng một cái
bắp thịt thép lại không phải là một bài thơ tuyệt tác? Đốt đi, những
bài thơ ca tụng cái kim ngân thời đại; đập đi những khối óc triền
miên về dĩ vãng; tàn đi cái tinh thần sa đoạ lúc nào cũng tưởng
tượng rằng thế kỷ này không được cao thượng bằng thế kỷ trước,
– một thế kỷ có những ông cụ sài đẹn uống rượu chén hạt mít
ngâm thơ nịnh trời già, công kích xe chạy điện, chửi rủa tàu bay cao.
Nhưng mà thôi, tôi hãy khoan tranh luận với anh xem những
tiếng than chết dở đó đúng hay là không đúng, bởi xét ra là vô ích.
Tôi chỉ biết rằng anh và tôi, chúng ta đương sinh tồn ở cõi đời này,
cuộc sống bắt đầu hôm nay, và đời nó như thế bởi vì nó thế. Có