mẹ. Ông lắng nghe những tiếng la hét. Tôi rót cho ông từng ly rượu nhỏ
nhưng cũng vô ích.
— Nhà bà có rộng không?
— Ba phòng.
— Có cô mụ không?
— Có. Rivaud không muốn một mình lãnh trách nhiệm. Thế rồi...
— Nhà bà ở phía cảng phải không?
— Gần sát cây cầu, trong một con đường nhỏ có...
Lại thêm một cảnh mà Maigret tưởng như là ông đã chứng kiến. Nhưng
trong lúc ấy, ông lại thấy một cảnh khác, cảnh đang diễn ra phía trên đầu
ông nằm: Cảnh Rivaud và Françoise ôm chặt nhau khiến ông bác sĩ pháp y
phải cố sức gỡ ra, có những người phụ tá phụ giúp mới được.
Mặt ông biện lý chắc là trắng hơn các tờ giấy kê khai mà người lục sự
đang cầm ghi trên tay run run. Và ông cảnh sát trưởng mà một giờ trước
còn chỉ biết có mấy con thỏ trong chợ.
— Khi ông Duhourceau biết sinh con gái, ông ta khóc rưng rức, đầu gục
vào ngực tôi. Thật khó, khóc đến nỗi tôi cứ tưởng ông ta có thể ngất đi. Tôi
chỉ biết ngăn ông ta vào phòng, vì...
Rồi bà ta lại ngừng nói, nhìn lén Maigret với vẻ nghi ngờ.
— Tôi chỉ là một người đàn bà khốn khổ, gắng làm được gì thì hay nấy.
Nhưng mà lạm dụng thì không được tốt lắm.
Germaine Rivaud đã ngừng rên rỉ, bà ta ngồi trên mép giường nhìn thẳng
trước mặt, thẫn thờ.
Lúc này thật khó chịu đựng nhất. Người ta đang chuyển các xác chết đặt
nằm trên cáng và nghe có tiếng va chạm vào vách tường. Những bước chân
nặng nề thận trọng của những người khiêng đi xuống từng bậc thang. Và có
tiếng ai:
— Coi chừng cái lan can thang gác.
Một lúc sau, Leduc gõ cửa, miệng cũng nồng hơi rượu, lí nhí nói:
— Xong rồi.
Đúng vậy, ngoài kia một chiếc xe vừa mở máy.