hẳn bức tượng Mầu Ni đen đủi quay mặt ra ngoài. Thẻo ngồi xuống sau
lưng Sư, im lặng. Tám Hớn có kể qua về Ba Tri, người chỉ huy du kích Đất
Mũi thuở cha gọi là thời giải phóng, một người cha Thẻo kêu là đủ nhơn,
trí, dũng. Cha giảng, nhơn là lòng thương người, khi cần chia vui xẻ buồn,
hoạ cùng chịu, phúc cùng hưởng. Còn trí, dùng để suy xét phải trái, đúng
sai, quyết đoán cái chi cũng phải tính toán, không làm liều, không làm ẩu.
Cuối cùng, dũng là quyết tâm, không sợ, không nản, dù có phải xả thân
mình cũng sẵn sàng.
Khi Sư quay lại nhìn Thẻo, nó kể lời cha nó dậy dỗ, hỏi :
- Bây giờ Đất Mũi mình, ai là người có đủ nhơn, trí, dũng?
Sư lắc đầu, giọng lạnh tanh :
- Chỉ nhơn, trí...nhưng không có thời, nhơn trí mang liệng đi thôi. Dũng
giờ này là từ bỏ hết, cho bụi bậm khỏi dính tâm thân.
Thẻo ngẩn ngơ một lát, lòng buồn dại đi. Thình lình, nó nắm tay Sư lắc
nhẹ:
- Sư có gặp má con bao giờ không?
Sư gật, nhớ lần ba máy bay Con Ma từ hạm đội Mỹ thình lình ào tới
đánh bom khi thuyền miền Bắc đang dỡ vũ khí đạn dược tiếp tế cho quân
Giải Phóng. Đầu trưa, dân giữa đồng trống không nơi trú ẩn, chết xác banh
toác, thịt da vỡ vụn tung ra tứ phía, máu nhuộm đỏ bờ kinh, rạch nước.
- Má con thời đó ra sao? - Thẻo rụt rè.
Sư ngẩn ra, không biết tả vợ Tám Hớn thế nào, ngước nhìn Thẻo. Lát
sau, Sư chậm rãi :
- Bả còn trẻ lắm...
- Sư có biết mồ chôn má con ở đâu không?
- Máy bay đánh liên tục, hai ba bữa liền xác phải để đó... Đến khi ra
lượm thì không có cái xác nào nguyên vẹn, thịt da tan nát, xương xẩu tứ
tung, hết biết được... Xã mình chôn tập thể tất cả, ngay mé rừng đước, gần
Cửa Lớn. Mới giải phóng, còn cắm cái bia xi-măng, đề bia nạn nhân giặc