làm ủy viên huyện ủy. Công việc cách mạng cần người biết chữ, và đáp ứng
được ở nơi cuối đất này chỉ có Ba Tri, trình độ đại học phải bỏ ngang khi
vô bưng sáu năm trước.
Hết giặc rồi, phải làm ăn, phải ổn định. Hớn đón con về, giá nào cũng
cho nó học dẫu trường khá xa, ngày ngày nó phải băng rạch Tàu đi thêm
hai cây số. Xin được một vạt đất trên bãi bồi, hai cha con năm sau dựng
một cái chòi vách làm bằng thân đước, sàn nhà cao nhưng vẫn còn nghe
tiếng cá thòi lòi rột rẹt trong mùa nước lên. Nhêm tới thăm, giọng ngậm
ngùi:
- Anh Tám hà... cứ gà trống nuôi con mãi sao? Phải có người chăm thằng
Thẻo chớ! Tui có nhỏ em bà con miệt Xóm Cống bên Đầm Dơi, cũng góa,
chưa con...
Hớn cười khà khà, ngắt:
- Tính sau anh Sáu à. Chỉ hai cha con mà miếng ăn còn không đủ, lo sao
được cho một người nữa, anh ơi!
Để mặc Nhêm khen cô em siêng làm siêng ăn, Hớn kéo từ gầm sạp một
chai Lúa Mới, giơ lên:
- Có thiếu đói thiệt, nhưng vẫn còn cái nàyđể tiếp bạn!
Gia cảnh Sáu Nhêm khác hẳn. Vợ Nhêm đi về buôn bán trên chợ Năm
Căn, hàng mang bán thường là ba khía muối, mắm sặc, cá đường phơi khô.
Hàng mang về, dăm kí đường, ba mét vải, đôi khi chục lon bia ngoại hàng
quán đặt mua. Dẫu hai vợ chồng Nhêm có ba đứa con, gia đình chưa đến độ
ăn đói. Con Hai, tuy chỉ hơn Thẻo hai tuổi, nay đã giúp mẹ làm việc nhà.
Thằng Ba, bằng tuổi Thẻo, cùng đi học, và đến mùa gió Nam, khi tôm cá về
bãi thì rủ nhau đi đẩy te, xiệp, giăng lưới ba màng, sạt sò huyết, mò vọp,
bắt cua. Con Tư, nhỏ hơn Thẻo ba tuổi, là gái út. Mấy năm sau, mẹ nó bảo
nó là gái nên không cần đi học. Suốt ngày tha thẩn, nó nói một mình như
đang chuyện trò, ăn kiến đất, đêm đêm khóc rấm rức. Sợ ma làm, mẹ nó
mời thầy về cúng kiếng. Khi gần nhà có một gia đình di cư từ Thái Bình ở
tuốt miền Bắc vô, Tư làm bạn với con Thúy, vật vã mình mẩy đòi đi học
với Thúy. Sáu Nhêm chìu lòng, thế là nó hết bịnh.