TRƯỚC KHI LÌA NƯỚC
HAI GIỜ chiều 14 tháng Một 1888, vua Hàm-Nghi bị
Trương-quang-Ngọc áp giải tới đồn Thuận-bài, Thiếu-tá
Dabat và Trung-úy Bonnefoy (chỉ huy một đội sen-đầm từ
Huế cử ra đón vua Hàm-Nghi) dàn quân ra hai bên đường từ
bờ sông vào đến đồn.
Thuyền vừa áp bến, dân Mường dùng võng cáng vua vào
một ngôi chùa ở phía trong đồn do Thiếu-tá Dabat đã sửa
sang từ trước để làm chỗ cho vua Hàm-nghi trú tạm.
Khi nhà vua ở dưới thuyền bước lên quân Pháp cử nhạc
và bồng súng làm lễ. Nhà vua như có ý xua đuổi những cái
nghi-vệ ấy, kéo khăn che lấy mặt.
Có lẽ vua Hàm-Nghi cho việc ông vua bị bắt là một cái
nhục, cho nên từ khi tới đồn Thuận-bài, nhà vua không chịu
nhận mình là Hàm-Nghi.
Nghe Thiếu-tá Dabat đọc chúc từ, nhà vua nói : « Những
lời Thiếu-tá vừa nói đó không phải để mừng tôi. Vì tôi chỉ là
bề tôi vua Hàm-Nghi. Vua tôi hiện ở trong rừng. Nếu không
bị bệnh, tôi đã theo vua mà trốn ».
Trong bài chúc từ có dùng đến chữ « Lang-sa ». Nhà vua
giả như không hiểu, nói : « Lang-sa là gì ? Nào tôi có nghe
tiếng ấy bao giờ đâu ! ». Rồi ngồi phịch xuống chiếu.
Vua Hàm-Nghi sinh tháng Ba 1871. Lúc bị bắt mới gần 18
tuổi. Người tầm thước, khuôn mặt hơi dài. Mắt sắc và nhanh.
Tay, chân đều nhỏ nhắn. Tuy trải bốn năm lặn lội ở nơi nước