ra làm hai phái : một phái là Thái-hậu, những người trong
Hoàng-phái và các quan lại già yếu, hoặc không có chí phấn
đấu thì quay về Huế, phái bên kia, Thuyết cố giữ lấy vua
Hàm-Nghi các võ-tướng và văn-quan, xưa nay vốn là người
có khí-phách, thì cùng lên Tân-sở.
Thuyết làm như thế được hai điều lợi :
1. Không phải bắt ép Thái-hậu làm một việc mà Thái-hậu
không muốn.
2. Loại được những người yếu ớt hoặc già cả làm trở ngại
cho cuộc phấn đấu sau này.
Thái-hậu biết rằng nói nhiều cũng không chuyển được
lòng Thuyết đành phải thuận.
Sáng 9 tháng Bẩy, thiết triều sớm, các vị vương công,
trong số có Chánh-Mông là anh và Ưng-Quyền là em ruột của
Hàm-Nghi đứng về phái về, đã sửa soạn từ đêm hôm trước.
Kẻ ngựa người võng dự bị sẵn cả ở cửa Hành-cung. Cha mẹ
anh em sắp rời bỏ nhau, mà ai nấy cùng tự phó mặc cho sự
rủi may. Cuộc ly biệt này đau đớn không biết chừng nào, vì
đối với vua Hàm-Nghi, nó là ngày vĩnh biệt.
Phục xuống đất, vua Hàm-Nghi lạy Từ-dụ Thái-hậu và các
bà Trang-Ỷ, Học-phi. Nhà vua nức nở khóc, không nói lên
tiếng.
Thái-hậu cũng chứa-chan giọt lệ, nhưng chỉ cắn răng cố
nuốt những sự đau lòng.
Tiếp, đến các Hoàng thân lạy từ vua. Trong mấy năm
liền, thời thế đã làm cho Nam-triều đổ không biết bao máu