Ba đứa trẻ sẽ khóc và giẫy giụa, nhưng cái thân hình yếu ớt của chúng
không khi nào chống nổi được những cánh tay vạm vỡ của bọn ngục tốt đã
thông thạo về nghề này.
Thuốc độc sẽ ngấm vào phủ tạng của ba đứa trẻ.
Da chúng tái dần đi.
Các khiếu của chúng ứa máu tươi ra.
Chúng quằn quại nhưng những con rắn bị thương.
Mắt chúng trợn ngược lên.
Chúng tắt nghỉ.
Nghĩ đến đây Hoàng phi không còn đủ can đảm để tự kiềm chế nữa. Bà
hét lên một tiếng, rồi ngất đi. Đứa bé nhất trong ba đứa trẻ giật mình, cũng
òa lên khóc. Hai đứa lớn thấy mẹ nó nằm trơ ra như khúc gỗ thì sợ hãi, kêu
cứu rầm lên. Bọn ngục tốt vội chạy vào, kẻ giựt tóc mai, người đổ nước
gừng. Hồi lâu, Hoàng phi tỉnh lại, nhưng từ đó, mỗi lần nhà ngục có tiếng
động lại làm cho Hoàng phi sợ đến thất thần, tưởng lầm là người ta đã đến
đưa con bà vào cõi chết.
Sự sợ hãi, khi đã không đủ sức mạnh để giết những người mà nó hành
hạ, thường lại bắt thói quen với những người ấy mà tặng cho họ một đức
tính mới là khinh sống hoặc cũng gọi là liều.
Lê Hoàng phi, vì liều nên ao ước được chết một cách chóng vánh để
khỏi phải chịu cái sống đầy ải ở ngục thất là một lối chết thong thả và âm
thầm.
Ba con trai của Hoàng phi – Lê Duy Khiêm, Lê Duy Tự
và Lê Duy
Chỉ - kết tinh bằng những giọt máu tôn quý nhất trong nước, cũng phải chia
với mẹ chúng một số phận hẩm hiu. Nhất là Duy Khiêm, đứa trẻ đã có đôi